Tạo điều kiện khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp

11:49' - 08/03/2019
BNEWS Cần tạo cơ hội để phụ nữ tự tin thể hiện và đóng góp vào xã hội, thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp và xa hơn là đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
CPTPP sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam,. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Việt Nam hiện có khoảng 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động dưới mọi hình thức; trong đó, có khoảng hơn 100.000 doanh nghiệp do phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo, điều hành. Để khối doanh nghiệp nữ phát triển lớn mạnh, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội nữ Trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp đè xuất, cần tạo cơ hội để phụ nữ tự tin thể hiện và đóng góp vào xã hội, thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp và xa hơn là đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, hiện nay, đa số những doanh nghiệp do phụ nữ nắm giữ vị trí chủ chốt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoặc siêu nhỏ. Hạn chế về công nghệ, quản trị và khả năng tiếp cận thị trường nên sức cạnh tranh của những doanh nghiệp này không cao.

Bà Lê Thị Khánh Vân cho rằng, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay dù đã được đánh giá công bằng hơn, nhưng họ vẫn phải đảm đương quá nhiều công việc cùng một lúc. Đặc biệt, định kiến phụ nữ chỉ làm những công việc nội trợ, con cái vẫn rất phổ biến và điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp của phụ nữ.

“Nếu so với nam giới, nhiều phụ nữ hiện nay không thua kém về trình độ, sức khỏe và cả sự nỗ lực trong công việc. Thậm chí, có những lĩnh vực, phụ nữ còn làm tốt hơn nam giới, ví dụ trong vấn đề tiếp cận khách hàng, bởi họ có sự bền bỉ, khéo léo. Song ở một góc độ nào đó, xã hội vẫn có định kiến, không giao cho họ những vị trí chủ chốt trong cơ quan và doanh nghiệp.”, bà Vân cho biết.

Là giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bà Huỳnh Hương Giang cho hay, có rất nhiều đối tác, khách hàng muốn hợp tác với doanh nghiệp, nhưng sau khi biết doanh nghiệp do nữ làm chủ họ lại thay đổi ý định. Hoặc đưa ra những điều khoản gây khó cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó thể hợp tác. Bà Hương cho rằng, xã hội vẫn chưa có cái nhìn công bằng với những người phụ nữ; trong đó, có những doanh nhân nữ.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu doanh nghiệp; trong đó, có 350.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Như vậy trong 3 năm tới, số lượng doanh nghiệp nữ sẽ phải tăng gấp hơn 3 lần, cao hơn so với tốc độ tăng doanh nghiệp chung của cả nước. Đây là một mục tiêu rất lớn đối với khối doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, tinh thần và mong muốn khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam hiện khá cao. Cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có tới 4 người muốn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình. Tuy nhiên, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đó, nếu chỉ dựa vào mong muốn của người phụ nữ thì chưa đủ, mà cần sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội. Theo đó, cần có những chính sách khuyến khích và những nhận định công bằng hơn đối với phụ nữ.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân, để tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách hỗ trợ cho họ. Cụ thể, cần sớm sửa đổi các chính sách về quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ theo hướng loại bỏ hình thức phân biệt giới tính và những đặc thù về vai trò giới. Thay đổi chính sách tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt, trong đó cho phép kéo dài thời gian đóng góp của nữ trí thức.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển đội ngữ nữ trí thức cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện phù hợp giới tính nhằm phát huy khả năng tiềm tàng của phụ nữ; tạo môi trường thuận lợi cho họ tự tin khởi nghiệp để đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục