Khối ngoại mua ròng kỷ lục cao nhất 2 năm, VN-Index hướng về 1.400 điểm

16:58' - 05/07/2025
BNEWS Tâm điểm tuần giao dịch đến từ hoạt động mua ròng đột biến của khối ngoại, với giá trị hơn 5.100 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần đầu tháng 7/2025 với sắc xanh lan tỏa và thanh khoản cải thiện rõ rệt. Tâm điểm tuần giao dịch đến từ hoạt động mua ròng đột biến của khối ngoại, với giá trị hơn 5.100 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Cùng với thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ, dòng tiền ngoại đã góp phần củng cố tâm lý lạc quan, giúp VN-Index hướng dần về ngưỡng kháng cự 1.400 điểm.

*Thị trường phản ứng tích cực với thỏa thuận thương mại

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), kết thúc tuần giao dịch từ 30/6 đến 4/7, chỉ số VN-Index tăng 15,53 điểm lên 1.386,97 điểm, ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Thanh khoản bình quân khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 948 triệu cổ phiếu, tăng 13,84% so với tuần trước, tương đương giá trị giao dịch 23.320 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 1 tháng và cao hơn 6,4% so với bình quân 20 tuần gần đây.

 

Điểm sáng đặc biệt trong tuần là giao dịch sôi động của khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 5.167 tỷ đồng – con số cao nhất kể từ giữa năm 2023. Các cổ phiếu được mua mạnh nhất bao gồm SSI (667 tỷ đồng), MWG (529 tỷ đồng), FPT (515 tỷ đồng), cho thấy xu hướng ưu tiên các mã có nền tảng cơ bản tốt và định hướng tăng trưởng dài hạn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, tuần giao dịch đầu tháng 7 diễn ra sôi động với hai điểm nhấn đáng chú ý: Thông tin công bố thỏa thuận thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và phiên giao dịch đột biến với thanh khoản hơn 30.000 tỷ đồng trên HOSE trong ngày 3/7. Kết quả, VN-Index tiến gần vùng kháng cự quanh 1.400 điểm – vùng đỉnh cao nhất kể từ tháng 7/2021. Cùng lúc đó, chỉ số VN30 cũng tăng 0,87% lên 1.488,77 điểm, hướng tới mốc 1.500 điểm, vùng đỉnh từng được thiết lập vào tháng 3/2022.

Thông tin đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ đã phần nào giảm thiểu lo ngại rủi ro thuế quan, tạo nền tảng ổn định hơn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. SHS đánh giá, đây là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, hướng đến những ngành ít chịu ảnh hưởng bởi biến động quốc tế và có dư địa tăng trưởng tốt nhờ tiêu dùng nội địa.

Trong tuần qua, theo CSI, thị trường ghi nhận diễn biến tích cực ở 16/21 nhóm ngành, nổi bật như cảng biển (tăng 4,6%), chứng khoán (tăng 3,94%), công nghệ - viễn thông (tăng 3,01%). Ngược lại, thực phẩm tiêu dùng (giảm 1,59%), dệt may (giảm 1,54%) và bất động sản (giảm 1,23%) là những ngành điều chỉnh mạnh, đặc biệt các cổ phiếu gắn với hoạt động xuất khẩu như thủy sản, khu công nghiệp, dệt may giảm sâu sau thông tin về chính sách thuế.

Các chuyên gia từ SHS nhận định, dòng tiền ngắn hạn đang có dấu hiệu dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu chịu rủi ro thương mại, tập trung vào những ngành có tính phòng thủ hoặc chưa phục hồi đáng kể. Riêng phiên 3/7, khối lượng giao dịch trên HOSE vượt 1,3 tỷ cổ phiếu – mức cao nhất từ đầu năm, phản ánh tâm lý tích cực lan rộng trong nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng đồng loạt cảnh báo về rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn khi chỉ số đã tiến sát các ngưỡng kháng cự mạnh.

CSI lưu ý, VN-Index đã tiệm cận vùng 1.398 - 1.418 điểm, đây vùng có khả năng xuất hiện áp lực chốt lời sau chuỗi tăng kéo dài ba tháng. Biên độ tăng trong tuần là 1,13%, đã thu hẹp so với hai tuần trước (2,57% và 1,64%), trong khi thanh khoản tăng cho thấy đà tăng có dấu hiệu chững lại.

Phân tích kỹ thuật cũng cho thấy VN-Index và VN30 đang ở trạng thái quá mua ngắn hạn, tiệm cận các vùng đỉnh lịch sử từng thiết lập trong năm 2021–2022.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), thỏa thuận thương mại với Mỹ là một bước tiến quan trọng, giúp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh xuất khẩu và củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Hinh nhấn mạnh rằng trọng tâm của thị trường sẽ sớm chuyển sang kết quả kinh doanh quý II/2025 của các doanh nghiệp niêm yết.

VNDirect dự báo lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có nhiều điểm sáng. Do đó, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng các phiên rung lắc để tái cơ cấu danh mục, ưu tiên các ngành có triển vọng lợi nhuận khả quan như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng và bán lẻ, đồng thời tránh mua đuổi tại vùng giá cao và từng bước thực hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index tiến sát vùng kháng cự 1.400 điểm.

Trong nước, triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục củng cố tâm lý tích cực của nhà đầu tư, trong khi trên thế giới, các thị trường tài chính lại chịu nhiều sức ép từ căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan mới của Mỹ.

*Căng thẳng thương mại và rủi ro điều chỉnh trên thị trường toàn cầu

Tuần qua, thị trường chứng khoán quốc tế chứng kiến diễn biến phân hóa khi rủi ro thương mại toàn cầu leo thang. Đặc biệt, cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng áp thuế lên tới 70% đối với hàng hóa từ các đối tác đã khiến tâm lý thị trường chao đảo.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng giảm 0,6%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,7% trong phiên giao dịch ngày 4/7 – trong bối cảnh các đối tác thương mại của Mỹ nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 9/7.

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang thúc đẩy đàm phán để đổi miễn thuế lấy việc tăng đầu tư vào Mỹ, trong khi Mỹ và Thụy Sỹ đã đưa ra dự thảo thỏa thuận liên quan đến thuế xuất khẩu dược phẩm. Cùng lúc đó, Trung Quốc tuyên bố áp thuế chống bán phá giá với rượu mạnh châu Âu, cho thấy bất đồng với EU có nguy cơ lan rộng.

Ở chiều ngược lại, dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy nền tảng tăng trưởng vững. Trong tháng 6/2025, nước này tạo thêm 147.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, mức tăng lương đạt 3,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các nhà phân tích như ông Michael Hartnett (Bank of America) cho rằng thị trường đã đến ngưỡng cảnh báo kỹ thuật, khi S&P 500 tiến sát mốc kích hoạt tín hiệu bán. Ông Michael Hartnett lưu ý rủi ro bong bóng tài sản gia tăng trong mùa Hè, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu 3.400 tỷ USD.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 0,5%. Thị trường trái phiếu Anh biến động mạnh sau các lo ngại về chính sách tài khóa. Đồng thời, kế hoạch hạn chế xuất khẩu chip AI của Mỹ sang Đông Nam Á cũng làm gia tăng rủi ro địa chính trị.

Dù vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới sẽ giúp giảm căng thẳng và mang lại tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách thuế quan.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục