Khơi thông các điểm nghẽn, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên

10:15' - 21/12/2024
BNEWS Sáng 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự, chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố…

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Hệ thống pháp luật về Tài nguyên và Môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, năm 2024, toàn ngành đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tổ chức lập và triển khai thực hiện các quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 văn bản, gồm 3 Luật (Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, cho phép Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn 05 tháng, kể từ ngày 01/8/2024; Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024); 2 Nghị quyết của Quốc hội về quản lý đất đai; 9 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư.

Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tạo lập hệ thống pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền của địa phương).

Bộ đã hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ 8 quy hoạch cấp quốc gia; trong đó có những quy hoạch mang tính chất nền tảng như Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia. Qua đó tạo lập hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Công tác cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được Bộ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao nhất. Bộ tiếp tục quán triệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ đã thực hiện phân cấp triệt để, tối đa; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cơ bản được thực hiện ở địa phương; Bộ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và giải quyết các vấn đề phức tạp, mang tính liên vùng, liên ngành.

Toàn Ngành đã chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.

Ngành tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các chiến lược, kế hoạch về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến tình hình khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ứng phó; nhất là bão số 3 có cường độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương. Các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững. Chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm. Dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành xác định 5 giải pháp đột phá quan trọng. Đó là tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực về tài nguyên và môi trường. Hoàn thiện và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông và ô nhiễm không khí tại các đô thị. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục