Nâng tầm để sản phẩm OCOP Hà Nội vươn xa hơn

09:03' - 20/05/2025
BNEWS Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm OCOP vươn xa để du khách đến Hà Nội càng thêm yêu quý con người, văn hóa và sản vật Thủ đô.

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhiều nhất của cả nước. Điều này không chỉ giúp Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn mà còn giữ gìn bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhằm phát huy tiềm năng và lan tỏa thương hiệu này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu... đưa sản phẩm OCOP vươn xa để du khách đến Hà Nội càng thêm yêu quý con người, văn hóa và sản vật Thủ đô.

Hà Nội với lợi thế có 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước - đây là "cái nôi" tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Về ẩm thực, người Hà Nội có nhiều bí quyết chế biến đạt trình độ tinh hoa ẩm thực, có nhiều đặc sản có giá trị kinh tế to lớn, tạo bản sắc văn hóa đáng tự hào. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước); trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao, dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có làng nghề đúc đồng nổi tiếng với lịch sử ra đời cách đây 400 năm- làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), được hình thành từ thế kỷ XVII và được coi là một trong "tứ nghệ" tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Để phát huy truyền thống do cha ông để lại những người thợ làng Ngũ Xã hôm nay luôn ấp ủ niềm đam mê, tiếp tục kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc đồng với mong muốn giữ nghề và đưa sản phẩm truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại.

Tiêu biểu nhất ở làng Ngũ Xã hiện nay là gia đình nghệ nhân Bùi Thị Minh - gia đình duy nhất hiện nay có tới 4 thành viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội". Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã của gia đình bà Minh đang sản xuất hàng trăm sản phẩm đúc đồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, được chế tác công phu với hoa văn, họa tiết cổ truyền tinh xảo...

Đặc biệt, theo Nghệ nhân Bùi Thị Minh, năm 2021, gia đình có hai sản phẩm là đôi đèn Tứ Linh và lọ Song Ngư đã được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng giành giải cao trong các kỳ thi kỹ năng thủ công tinh xảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam.

Đến với vùng đất Cự Đà, mọi người nghĩ ngay đến ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi với những cổng làng rêu phong chất chứa bao ký ức về miền quê Bắc Bộ. Hoà với dòng chảy của ngôi làng cổ, xã Cự Đà, huyện Thanh Oai còn có món ăn truyền thống gắn với bao đời người dân Việt Nam, đó là tương Cự Đà.

Nghề làm tương nếp nơi đây đã có từ hàng trăm năm nay với câu ca danh truyền “Tương Cự Đà, cà làng Đám”. Hiện tương Cự Đà được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và dần chinh phục thị trường cả nước. Ngày nay, công nghệ phát triển, máy móc có thể thay thế được, nhưng với nghề tương Cự Đà, tất cả các khâu đều được làm thủ công và không có chất phụ gia nào. Chính nét đặc sắc, hương vị đặc biệt đó, nên tương Cự Đà đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao... và được tiêu thụ trên khắp cả nước.

Theo ông Vũ Văn Đình, chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của thôn Thượng xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), những sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, sơn mài tinh xảo, mang đậm dấu ấn của làng nghề 1.000 năm tuổi. Việc tham gia Chương trình OCOP đã tạo bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển sản phẩm. Cơ sở sản xuất của ông Đình đã có 8 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao; trong đó, nhiều sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ nâng hạng lên OCOP 5 sao.

“Từ khi bắt đầu xây dựng sản phẩm gắn với OCOP, chúng tôi càng ý thức rõ hơn về chất lượng, mẫu mã cũng như câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi sản phẩm. Sự hỗ trợ từ huyện và thành phố trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đã giúp sản phẩm của làng nghề đến được với nhiều khách hàng hơn, nhất là thị trường quà tặng cao cấp”, ông Vũ Văn Đình chia sẻ.

Tính đến hết năm 2024, cả nước có gần 15.000 sản phẩm OCOP; trong đó, Hà Nội có 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% tổng số sản phẩm của cả nước). Thế nhưng, Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Việc phấn đấu để có sản phẩm OCOP 5 sao đối với các chủ thể là vô vàn khó khăn bởi rất nhiều rào cản. Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) cho biết, đầu năm 2023, công ty đã có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương công nhận đạt 5 sao. Ngoài ra còn một số sản phẩm khác, như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ sen, khăn lụa tơ tằm dệt nổi hoa sen, gối kết hôn tơ sen… đã được thành phố đánh giá, phân hạng 4 sao.

“Những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực nâng cấp sản phẩm 4 sao để đạt 5 sao, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân do quy trình xét duyệt sản phẩm 5 sao yêu cầu rất chi tiết về tính đặc thù vùng miền, tác động cộng đồng, câu chuyện sản phẩm… Sản phẩm của chúng tôi chưa đủ hồ sơ minh chứng, nên chưa được xét”, bà Phan Thị Thuận nói.

Cũng gặp khó khăn trong đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Con Bò Vàng Ba Vì (huyện Ba Vì) Đào Công Trường cho hay, là vùng có đàn bò sữa lớn nhất thành phố Hà Nội, công ty đã liên kết với các hộ chăn nuôi bò sữa để có nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến. Hiện tại, công ty đã có hơn 20 sản phẩm sữa các loại cung ứng ra thị trường, như: Sữa bò thanh trùng, sữa chua, bánh sữa… Trong đó có nhiều sản phẩm đã được UBND thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP 4 sao. Mong muốn được nâng cấp sản phẩm lên 5 sao đồng nghĩa với việc công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, GMP…). Trong khi đó, chủ thể thường thiếu đội ngũ kỹ thuật, tư vấn chuyên sâu, nên việc hoàn thiện hồ sơ và tiêu chuẩn rất vất vả.

Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP được công nhận, hàng năm, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng được 16 trung tâm sáng tạo, thiết kế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề; phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện vào tiêu thụ sản phẩm.

Cùng đó, để nâng tầm sản phẩm OCOP và lan tỏa thương hiệu, trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, nổi bật là các sự kiện Tuần hàng nông sản, sản phẩm OCOP và làng nghề.... đến người tiêu dùng và du khách.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục