Không ai được lợi nếu xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu

12:59' - 04/04/2018
BNEWS Theo giới phân tích, một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Hàn Quốc chấp nhận một số nhượng bộ thương mại để được miễn trừ thuế thép của Mỹ. Ảnh: EPA
Theo giới phân tích, một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, có lẽ tương đương 1-3% trong vài năm tới. Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ tình hình này có thể trở nên xấu đi. 

* Tổn thất không nhỏ 

Những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang là nguyên nhân gây ra những mối quan ngại của giới đầu tư. Cho tới nay, các biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm nhập khẩu mà ông Trump công bố hồi đầu tháng 3/2018 là tương đối nhỏ và hầu như chưa gây ảnh hưởng vĩ mô như về mặt lạm phát, tăng trưởng và việc làm của Mỹ, song nó tiềm ẩn những ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với thương mại giữa Mỹ và các nước khác trên toàn cầu. 

Sau đó, Tổng thống Trump tiếp tục thực hiện cam kết triển khai các biện pháp mạnh tay đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà ông cho là không công bằng. Ngày 22/3, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế mới đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới hơn 50 tỷ USD và các biện pháp hạn chế khác đối với Bắc Kinh. Việc Nhà Trắng sớm đi tới hành động trên là điều không nằm ngoài dự báo của các nhà quan sát, khi các cố vấn kinh tế theo chủ nghĩa “diều hâu” của Tổng thống Trump là hai ông Peter Navarro và Wilbur Ross đang chiếm ưu thế, sau khi ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump, từ chức. 

Động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump có thể dễ dàng dẫn tới kết cục trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hoặc chí ít cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt, thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng rõ ràng sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu xét trên tương quan với sản lượng. Điều đó sẽ dẫn tới những mặt được và mặt mất trong dài hạn. 

Theo giới phân tích, nếu một nước lớn áp thuế nhập khẩu thép, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể sẽ buộc phải trang trải một phần tổn thất thông qua việc cắt giảm giá để duy trì vị thế trên thị trường Mỹ. Đối với Mỹ, nước này có thể cải thiện các điều khoản thương mại, thậm chí coi phúc lợi chung gia tăng như là cái giá cho việc nhập khẩu thép giảm. Trong một số trường hợp, áp thuế nhập khẩu là minh chứng cho việc bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và ứng phó với các biện pháp cạnh tranh không công bằng, chẳng hạn như trợ cấp xuất khẩu mà chính phủ một số nước thực hiện. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng công kích các biện pháp cạnh tranh không công bằng này là giải pháp tích cực hơn so với việc áp thuế nhập khẩu để bù đắp thiệt hại. Về mặt kinh tế vĩ mô, việc thay đổi thuế nhập khẩu có thể dẫn tới sự thay đổi của nhiều “biến số” khác như tỷ giá hối đoái, lạm phát, chính sách tiền tệ và thất nghiệp. Điều này có thể trở nên phức tạp hơn nhiều. 

*Tất cả đều thiệt 

Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại là một tổng thể các biện pháp trả đũa mà mục tiêu là tác động nhiều nhất tới đối thủ cho tới khi đối tượng suy sụp và từ bỏ theo đuổi chiến tranh. Không bao giờ có kẻ thắng trong một cuộc chiến thương mại. Đàm phán và thỏa hiệp luôn là những giải pháp tốt hơn. Chẳng hạn, nếu Tổng thống Trump muốn áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, thì việc châu Âu đe dọa phản ứng là điều bình thường, nhưng sự đáp trả này là điều đáng lo ngại. 

Hành động đánh thuế nhập khẩu thép của Mỹ có thể không dẫn tới sự gia tăng về sản lượng thép toàn cầu, song ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu khá phức tạp. Khi Mỹ áp đặt thuế này thì trước tiên thu nhập ròng của Trung Quốc sẽ giảm. Tại Mỹ, các nhà sản xuất thép có thể được lợi, song người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể bị thiệt hại, trong khi Chính quyền Mỹ thu lợi từ nguồn thu thuế tăng. 

Nghiên cứu năm 1960 của nhà kinh tế học Robert Mundell chỉ ra rằng, trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt, thì kế hoạch áp thuế nhập khẩu mà Chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Đồng tình với quan điểm này, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Maurice Obstfeld hồi năm 2016 viết rằng nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Đông Á, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới. Nếu dự báo này là đúng thì các biện pháp thương mại của Tổng thống Trump lại gây tác động bất lợi đối với chính nền kinh tế Mỹ. Những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Đó là chưa kể tới

những hành động trả đũa thương mại. 

Trong khi đó, theo nhận định của Bộ phận dự báo và phân tích kinh tế (EIU) của tập đoàn The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Trump đang “đẩy” lập trường chính sách của nước ông theo hướng bảo hộ. Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Phân tích của EIU cho rằng một sự trả đũa tương tự như biện pháp bảo hộ của Mỹ có thể đẩy chi phí hàng hóa tăng lên, song có lẽ cũng ít có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại đáng kể. Dẫu sao, việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ khó tránh khỏi làm sụt giảm lòng tin của giới doanh nghiệp, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục