Không có lợi ích nhóm, độc quyền trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu

17:26' - 14/07/2017
BNEWS Liên quan đến Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ không có lợi ích nhóm, độc quyền trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương là bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế.

Mục tiêu mà Luật hướng đến là tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu và tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những nguyên tắc và mục tiêu rất rõ ràng này, tôi bảo đảm không có sự độc quyền hay lợi ích nhóm trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, để đưa Luật Quản lý ngoại thương vào cuộc sống, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, từ nay đến ngày 31/12/2017, Chính phủ phải ban hành 5 nghị định hướng dẫn. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng 5 nghị định này. Trong quá trình xây dựng nghị định, Bộ Công Thương không chỉ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, mà còn xin ý kiến đóng góp của Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và tất cả các đối tượng có liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Hơn nữa, các Thông tư hướng dẫn Nghị định cho dù Bộ Công Thương hay bộ, ngành nào xây dựng cũng không thể quy định bất cứ điều khoản nào vượt quá quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định của Chính phủ. Vì vậy vấn đề lợi ích nhóm hay quy định tăng quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản hướng dẫn chắc chắn sẽ không xảy ra.

Riêng với giấy phép xuất nhập khẩu, điều kiện xuất nhập khẩu hay giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định trong Luật Quản lý ngoại thương là các loại giấy phép, điều kiện, giấy chứng nhận hiện đang có và được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Luật Quản lý ngoại thương không quy định thêm bất cứ loại giấy phép, điều kiện, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nào ngoài các giấy, điều kiện hiện hành. Đặc biệt, khi Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục