Không để dồn ứ nợ xấu

15:52' - 31/10/2023
BNEWS Hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi, do thị trường bất động sản “đóng băng” và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu dù tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát đặc biệt khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là ngân hàng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ sẽ giúp cho tỷ lệ nợ xấu không bị tăng quá cao.

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng song trong thời gian gần đây, hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi, do thị trường bất động sản “đóng băng” và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp khó trả nợ cũ, không muốn vay mới, nợ xấu có xu hướng tăng lên. Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân khiến nợ xấu tăng là do doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi từ môi trường  bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử  lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Ngoài ra, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc  trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ  cũng là một nguyên nhân khiến cho nợ xấu vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo ngại. Việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo rất gian nan do thị trường trầm lắng, hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Nhiều ngân hàng thương mại cho hay, thị trường bất động sản “đóng băng” đã ảnh hưởng nặng nề đến xử lý nợ của ngân hàng, trong khi nợ xấu tăng lên rất nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc ứng phó với nợ xấu gia tăng đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của cả ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Về phía các ngân hàng, một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó với nợ xấu gia tăng là đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Bởi, theo báo cáo của Công ty đánh giá tín nhiệm FiinRatings, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi.

Thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo đang được các ngân hàng đẩy mạnh nhằm thu hồi nợ, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ khách hàng, cũng như không để nợ xấu bị dồn ứ. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục đẩy mạnh rao bán, thanh lý, xử lý tài sản thế chấp như: nhà phố, căn hộ chung cư, đất nền, máy móc, thiết bị, nhà xưởng… nhưng không phải tài sản hoặc khoản nợ nào được rao bán cũng tìm được chủ mới.

Trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Đơn cử như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 6 nhà máy xi măng tại Bình Phước, nhà máy thủy điện Tân Thượng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Viettinbank) cũng phát thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp với giá khởi điểm hơn 214 tỷ đồng…

Để giảm tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp điều hành linh hoạt trong kéo lãi suất giảm trở lại bằng nhiều công cụ chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 mà có thể tạo ra những khoảng trống pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ sung quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý  tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.695,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính riêng trong 7 tháng của năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128,8  nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục