Không thay đổi, lữ hành Việt sẽ chậm chân

06:51' - 14/02/2016
BNEWS So với các nước trong khu vực, cạnh tranh về du lịch của doanh nghiệp Việt còn yếu, nguồn lao động thiếu chuyên nghiệp.

Hội nhập cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có quyền tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn và chắn chắn sẽ tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp nội địa.

Hội nhập cũng là sức ép để du lịch Việt Nam trở nên chuyên nghiệp. Ảnh: TTXVN

Trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia nhận định các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị coi là yếu, nhân sự vốn được coi là cốt lõi trong ngày du lịch vẫn còn thiếu chuyên nghiệp nên cũng sẽ bị sức ép lớn từ các nước trong khu vực.

Nhưng chính hội nhập cũng là sức ép để du lịch Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn bởi nếu không thay đổi sẽ chậm chân.

Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist Lưu Đức Kế cho rằng định hướng thu hút một số những dòng khách tự doanh nghiệp không làm được mà cần có vai trò của ngành cho nhất quán. Chẳng hạn, khách du lịch Đức sang Thái Lan hàng năm có đến hàng triệu khách, trong khi khách Đức du lịch vào Việt Nam chỉ nhỏ giọt vài trăm nghìn khách.

Ông Kế đề xuất nên “có cách định hướng hạn chế thu hút khách du lịch tự do hay khách tây ba lô,  tăng thu hút các dòng khách có mức chi trả cao hơn”.

Thực tế cho thấy, một số hãng lữ hành nước ngoài liên kết với doanh nghiệp trong nước gửi khách vào Việt Nam, nhưng nước họ có tuyến bay thẳng đến Việt Nam, hướng dẫn viên giỏi và thậm chí là có hệ thống khách sạn đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp Việt chưa thể “ăn” được cả cung lẫn cầu.

Trong khi đó, ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch cho hay, Việt Nam hiện đã mở cửa thị trường tương đối rộng, trong đó đầu tư nước ngoài vào mảng khách sạn chiếm đến 100%.

Hiện nay, trong lĩnh vực lữ hành, ngành vẫn đưa ra quy định nhằm khuyến khích các lữ hành nước ngoài sử dụng nguồn tài nguyên, nhân lực du lịch tại Việt Nam.

Cụ thể, chỉ cho các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đưa khách du lịch vào Việt Nam, chứ chưa cho các doanh nghiệp đó đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài; hay các doanh nghiệp quốc tế muốn tổ chức các tour du lịch vào Việt Nam cho đoàn khách nước ngoài phải có sự liên doanh với các hãng lữ hành của Việt Nam và không được sử dụng 100% vốn nước ngoài; và quan trọng nhất là hướng dẫn viên phải là người Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu. Ảnh: TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, về mặt nhà nước, ngành đã tạo ra những quy định, rào cản kỹ thuật để cố gắng bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước những ảnh hưởng từ quá trình hội nhập.

Nhưng quan trọng hơn cả là doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cao năng lực để đứng vững trong cạnh tranh bằng chính việc phải mang đến các sản phẩm dịch vụ có chất lượng thật để đảm bảo duy trì thị phần.

Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu cách thức nước bạn sử dụng dịch vụ, đưa ra mức giá thành hiệu quả ra sao. “Phải có sự đầu tư, nâng cao năng lực, có chiến lược xúc tiến quảng bá điểm đến. Đây là các phương án mà ngành luôn khuyến cáo đối với doanh nghiệp”, ông Siêu trăn trở.

Theo ông Định Ngọc Đức, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam cần được quảng bá hình ảnh rộng hơn trong khu vực và thị trường quốc tế thông qua việc tham gia các hội chợ lớn trên thế giới. Ngành sẽ thay đổi hình thức hoạt động khi tham gia hội chợ, tập trung vào chủ đề trọng điểm.

Bên cạnh đó, việc quảng bá cho du lịch Việt Nam bằng hình thức E-Marketing sẽ được ngành chú trọng phát triển trong năm 2016. Ngoài ra, du lịch cũng không thể thiếu nguồn lực, kinh phí sẽ được huy động từ chính các công ty lữ hành, hãng hàng không, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục