Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đưa khu phi thuế quan vào sử dụng

10:32' - 12/07/2019
BNEWS Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tiếp tục đưa các dự án thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan vào sử dụng; đồng thời đẩy nhanh thi công các dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây.

Trong tháng 7/2019, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) tiếp tục đưa các dự án thoát nước, xử lý nước thải khu công nghiệp và khu phi thuế quan vào sử dụng; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây và dự án đường giao thông phía Đông đầm Lập An. Hạ tầng đang từng bước hoàn thiện để thu hút đầu tư.

Cảng Chân Mây do Công ty cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư thi công đến nay đạt 80% khối lượng dự án cầu cảng Bến số 2 với tổng vốn 849 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cầu cảng vào tháng 10/2019.

Cùng đó, dự án Bến số 3 - cảng Chân Mây do Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng Huế đầu tư với tổng vốn đăng ký 846 tỷ đồng đã thi công hoàn thành hạng mục kè bờ, đóng cọc; phần thi công cầu cảng, nạo vét khu nước, luồng, san lấp mặt bằng đạt khoảng 35% khối lượng; dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào hoạt động trong quý IV/2019.

Ngoài ra. dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Huế với vốn đầu tư đăng ký 2.583 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 657 ha cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; đầu tư một số tuyến đường giao thông, san nền, hạ tầng kỹ thuật diện tích khoảng 80 ha.

Hiện, Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục kêu gọi đầu tư khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong quy hoạch, đến năm 2020 cảng Chân Mây có 6 bến hàng tổng hợp với chiều dài 1.680m. Năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành dự án đê chắn sóng, đảm bảo cho các bến cảng khai thác ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các bến container và đảm bảo an toàn cho tàu container cập bến.

Đến năm 2030, cảng Chân Mây có 8 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280m; 1 bến chuyên dùng xăng dầu với chiều dài 240m; bến chuyên dùng du lịch cho tàu khách 100.000 GT (dung tích tàu) cập bến.

Sau khi nâng cấp, hiện cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420 m, độ sâu trước bến 12,5 m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn với hơn 3.000 - 4.000 khách.

Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc).

Nhờ tích cực đầu tư hạ tầng, từ đầu năm 2019 đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút thêm 4 dự án quy mô lớn với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 28/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng Nhà máy chế xuất Bilion Max Việt Nam tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc).

Nhà máy có tổng vốn đầu tư 15 triệu USD (tương đương 348 tỷ đồng Việt Nam) nằm trong Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Đây là dự án đầu tư của Tập đoàn Winson và hợp tác của Tập đoàn Mattel - Mỹ, chuyên phân phối sản phẩm đồ chơi, đồ dùng cho trẻ em trên toàn cầu.

Cùng với đó còn có các dự án lớn khác đầu tư vào khu kinh tế như: Khu du lịch Lăng Cô - Đầm Lập An, diện tích xây dựng 126 ha, vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng; Khu du lịch Bãi Cả với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; Chợ Lăng Cô với tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng; Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors với vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng có diện tích thuê đất khoảng 160 ha với mục tiêu lắp ráp các loại xe ô tô khách (bus) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 16.000 xe các loại;

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, hỗ trợ tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; đồng thời làm tốt việc tăng cường mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước - ông Thọ khẳng định.

Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút được 43 dự án đầu tư (còn hiệu lực cấp phép) với tổng vốn 75.743 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án hoàn thành đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 46,5% tổng số dự án) với tổng vốn đầu tư 46.647 tỷ đồng, 19 dự án đang triển khai (chiếm tỷ lệ 44,2% tổng số dự án) với tổng vốn đầu tư 21.916 tỷ đồng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục