Khung pháp lý về quản lý nhà nước về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh

20:57' - 28/10/2019
BNEWS Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận cho thấy trong bối cảnh hiện nay, khung pháp lý về quản lý nhà nước về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh cần phải được chú trọng, quan tâm.
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Cầm Thị Mẫn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đa số các đại biểu nhất trí với nội dung của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trong điều kiện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì việc tổ chức tự vệ nhất là tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.

"Tuy nhiên, không vì khó khăn mà không tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, vì việc tổ chức tự vệ có ý nghĩa quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh nhất là trong điều kiện Chính phủ phấn đấu mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp. Nếu không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp thì sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp năm 2013 là xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp", đại biểu khẳng định.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đối với một số điều khoản trong dự án luật. Theo các đại biểu, luật này tác động đến quyền tự do xuất, nhập cảnh và quyền này là quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, khi triển khai luật này sẽ liên quan đến chuyện hạn chế quyền tự do xuất, nhập cảnh nên cần hết sức thận trọng.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về các nội dung của dự thảo Luật cũng như các góp ý về kỹ thuật soạn thảo, việc sử dụng thuật ngữ, bố cục chương điều của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận cho thấy trong bối cảnh hiện nay, khung pháp lý về quản lý nhà nước về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh cần phải được chú trọng, quan tâm. Về nguyên tắc việc cấp hộ chiếu, quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong xuất cảnh, nhập cảnh nhưng cũng phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với thống lệ quốc tế, không gây phiên hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của công dân./. 

>> Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục