Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam nếu FED tăng lãi suất?

11:54' - 09/12/2015
BNEWS Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng nếu FED tăng lãi suất, Việt Nam sẽ chịu hai tác động: nảy sinh tâm lý găm giữ USD và các doanh nghiệp rút vốn về Mỹ.
Khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2015 là rất lớn. Ảnh: Reuters
Thị trường toàn cầu đang rất quan tâm đến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vào trung tuần tháng 12 này với những đồn đoán về khả năng cơ quan này sẽ nâng lãi suất. Quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam cũng đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận. Những chia sẻ dưới đây của Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) với phóng viên TTXVN sẽ mang lại những góc nhìn về vấn đề này. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao quyết định nâng lãi suất của Fed lại thu hút sự quan tâm của nhiều nền kinh tế đến vậy? 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn. Khi một nền kinh tế lớn như thế thay đổi chính sách thì sẽ có tác động mạnh đến thế giới. Việc Fed quyết định tăng lãi suất có nghĩa là tiền bị hút về. Khi tiền bị hút về sẽ rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, các thị trường đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vàng, dầu, các loại kim loại thậm chí cả ngũ cốc sẽ bị ảnh hưởng, cái đấy sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. 

Ngoài ra, việc này không chỉ liên quan đến thị trường tài chính, luồng tiền ra hay luồng tiền vào mà còn liên quan đến chính sách đấy đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, nó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ thế nào và nó sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu ra sao. Vì thế, sự kiện này thu hút sự quan tâm của toàn cầu. 

PV: Vậy theo ông nếu Fed điều chỉnh lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Khả năng Fed tăng lãi suất là tương đối lớn. Theo tôi, do thị trường đã đoán được chuyện này từ lâu rồi cho nên tác động của nó đã được phản ánh vào những diễn biến vừa qua. Có rất nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị cho tình huống này và nhiều diễn biến đã diễn ra trước. 

Theo tôi dự đoán, đợt tăng này có thể là tăng nhẹ. Nếu như quá trình này diễn ra chậm chạp, từ từ, không gây sốc cho thị trường thì sẽ không có nhiều biến động mạnh đối với thị trường Việt Nam . 

Cụ thể, sẽ có 2 loại tác động đến Việt Nam khi Fed công bố tăng lãi suất. Thứ nhất, liên quan đến khả năng các doanh nghiệp rút vốn về Mỹ, cái này đối với Việt Nam sẽ không quá lớn. Bởi dòng vốn ngoại tệ của Việt Nam mạnh ở chỗ liên quan nhiều đến FDI và kiều hối, lượng vốn gián tiếp không quá lớn. Chuyện rút ra còn liên quan nhiều đến chi phí, các nhà đầu tư muốn rút vốn phải bán trái phiếu, cổ phiếu mới rút được, nếu như giá đang thấp thì không hẳn rút ra đã là có lợi. Do vậy, quá trình rút tiền ra sẽ tác động không nhiều. 

Vấn đề thứ 2 cũng là vấn đề đáng lo ngại nhất, đó là vấn đề tâm lý. Khi người ta nghĩ đồng đô la sắp lên giá sẽ nảy sinh tâm lý găm giữ đô la. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết giữ ổn định tỷ giá trong năm nay. Thị trường trong khoảng thời gian từ khi Fed tăng lãi suất (nếu có) cho đến hết năm cho dù căng thẳng thì Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được ổn định. 

PV: Vậy việc Fed tăng lãi suất sẽ áp lực như thế nào đối với chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước? 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Thị trường tiền tệ có thể có những căng thẳng nhất định về tâm lý sau quyết định của Fed nhưng theo tôi Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được quyết tâm bình ổn thị trường. Tất cả sẽ phụ thuộc vào thông điệp của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo tôi dự đoán thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ vẫn duy trì sự ổn định nhưng không cố định. Cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ công bố chính sách tỷ giá mới nhưng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có định hướng là tiếp tục duy trì sự ổn định. Bởi nền kinh tế của chúng ta hiện nay cần tỷ giá ổn định để khống chế kỳ vọng phá giá, lúc đấy mới có thể khiến người dân chấp nhận chuyển từ đô la sang tiền đồng và khi ấy mới có thể hạ lãi suất. Hiện nay mục tiêu hạ lãi suất vẫn chưa đạt được và nó cũng rất cấp bách bởi lạm phát còn thấp. 

Nói chung, với việc thị trường đã có sự chuẩn bị cho phương án Fed sẽ tăng lãi suất thì tỷ giá sẽ không biến động nhiều và khu vực sản xuất sẽ không bị “sốc”. Thị trường sẽ có biến động nhưng về cơ bản vẫn ổn định, bởi tôi tin với phương châm điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn là ổn định và họ có đủ nguồn lực để làm việc đấy. Năm 2016, theo tôi, tỷ giá sẽ dao động không mạnh như năm 2015, mức biến động sẽ trong khoảng 2 – 3%. 

PV: Có nhiều ý kiến lo ngại, quyết định này của Fed cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến nợ công của Việt Nam . Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Dĩ nhiên, nếu tiền đồng mất giá thì nợ công sẽ tăng bởi vay và trả đều tính bằng ngoại tệ. Do đó, quyết định này có ảnh hưởng đến gánh nặng nợ công. Tuy nhiên khi Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá theo hướng ổn định thì vẫn có thể giữ ổn định được, nếu phá giá tiền đồng ở mức vừa phải thì nợ công vẫn kiểm soát được. 

Tuy nhiên, việc kiểm soát nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ giá mà nó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như giảm chi thường xuyên, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lấy tiền để đầu tư... Nói chung nợ công là tích lũy của thâm hụt ngân sách, việc thu chi ngân sách thế nào là rất quan trọng, nguồn thu bây giờ bị tăng trưởng chậm bởi lạm phát thấp mặc dù GDP có khá hơn. Hiện tại lãi suất tương đối cao cho nên áp lực trả nợ cũng căng thẳng, nguồn dùng để trả nợ còn hạn chế. 

Nhưng cái may là hiện tại còn rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước, mà vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng trên giá trị sổ sách. Rất nhiều doanh nghiệp nằm trong diện không cần Nhà nước phải nắm giữ, khi cổ phần hóa sẽ giúp ngân sách có tiền đầu tư. Thứ hai, Chính phủ cũng đang chủ trương giảm biên chế để giảm chi thường xuyên. Với những chiến lược như thế chúng ta sẽ có thêm tiền để đầu tư, trả nợ. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục