Kích hoạt chuyển đổi số trong hợp tác xã

08:10' - 03/03/2023
BNEWS Chuyển đổi số trong hợp tác xã được coi là một giải pháp tất yếu, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Nhờ áp dụng công nghệ số, nhiều hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu, tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc mở một gian hàng trên trang thương mại điện tử cũng như duy trì phương thức vận hành vẫn đang là vấn đề đặt ra với hợp tác xã hiện nay.

*Phép thử độ thích ứng

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ - du lịch Ðiểm Hẹn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ chia sẻ, để thích ứng với xu thế kinh doanh số, hợp tác xã đã tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm dịch vụ qua nền tảng như website, mạng xã hội Zalo, Facebook… đến đối tác, khách hàng.

Hiện tại, bình quân mỗi tháng có hơn 1.600 lượt truy cập vào website: diemhenchonoicairang.com của hợp tác xã và lượng khách đặt lịch đến với hợp tác xã qua môi trường mạng tăng hơn 30% so với trước.

Điều này cho thấy việc ứng dụng nền tảng số để cập nhật sản phẩm, dịch vụ mới đã giúp hợp tác xã gia tăng hiệu quả kết nối với khách hàng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tương tự, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng và liên kết với Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện đề tài nuôi trồng tảo xoắn Spirulina.

Ông Đỗ Biên Nhất- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường cho hay, tảo xoắn Spirulina là một sản phẩm rất có giá trị ứng dụng trong y học, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng bởi sản xuất loại tảo xoắn này gặp khó khăn do công nghệ phức tạp, chi phí đầu tư lớn.

Thế nhưng, đúng vào điểm rơi là dịch COVID-19 đã tạo ra phép thử về sự ứng biến của hợp tác xã. Vì vậy, trong cái khó ló cái khôn, hợp tác xã đã đón lõng và áp dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, giảm thiểu được chi phí mà sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn.

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường đang trở thành “cánh tay nối dài” để kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ chia sẻ, xác định chuyển đổi số là đòn bẩy giúp hợp tác xã tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ đã phối hợp hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, khai báo thuế qua mạng; trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa qua nhóm Zalo hợp tác xã Cần Thơ.

Ngoài ra, hỗ trợ hợp tác xã có sản phẩm nông sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tham gia quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ qua sàn giao dịch thương mại điện tử giúp hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng giải pháp kinh doanh số, từng bước thích ứng yêu cầu thị trường.

*Bắt nhịp xu thế

Việc hợp tác xã từng bước chuyển đổi số, thích ứng với việc bán hàng trên không gian mạng nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, tạo ra giá trị và nâng cao hiệu quả hoạt động trong tình hình mới. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí mở gian hàng và duy trì hoạt động, các chuyên gia cho rằng hợp tác xã trước tiên cần mở account ở một số sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) của các hiệp hội, ngành hàng.

Đặc biệt, các sàn thương mại này còn giúp hợp tác xã dễ tương tác, dễ liên kết với các ngành chức năng để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nhiều vấn đề liên quan, từ đó làm nền tảng tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia về sau.

Nhận định xung quanh việc chuyển đổi số của hợp tác xã, ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang cho biết, năng lực, tư duy và nhận thức của hợp tác xã với chuyển đổi số trong phát triển là vấn đề mới đòi hỏi sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã.

Hầu hết, các hợp tác xã này mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều.

Một rào cản nữa trong chuyển đổi số ở hợp tác xã là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm.

Hơn nữa, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet và còn xa lạ với phần mềm kế toán, quản lý sản xuất; quản lý bán hàng...

Do đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã; rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển hợp tác xã theo hướng bền vững.

Đặc biệt, huy động nguồn lực để hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số cho các hợp tác xã, đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam cho biết, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng và công ty, doanh nghiệp tăng cường đào tạo về nhân lực; đề xuất hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu ở đâu có người mua, ở đó có sản phẩm của hợp tác xã.

Nhằm kích hoạt công nghệ số trong hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, có quy định cụ thể để các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận, thụ hưởng nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục