Kiểm lâm khẳng định vai trò quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

14:41' - 17/05/2018
BNEWS Ngành lâm nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,57%, nâng độ che phủ của rừng đạt 41,45%, giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Tại Tọa đàm về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW nhân dịp 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa gắn với sử dụng hài hòa các lợi ích kinh tế, nhiệm vụ bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi ở mức độ cao, nặng nề với nhiều thách thức hơn.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các đơn vị, mỗi cán bộ kiểm lâm phát huy truyền thống 45 năm qua, tiếp tục phấn đấu rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được giao. Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp vào cuộc sống, hài hòa hóa với quy định, thông lệ quốc tế.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạp pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng, buôn bán kinh doanh lâm sản trái pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ quản lý mới và đẩy nhanh phương thức quản trị rủi ro gắn với truy xuất nguồn gốc lâm sản hợp pháp, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vững bước trong hội nhập quốc tế.

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành (21/5/1973-21/5/2018), lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cán bộ kiểm lâm còn tham gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp ở địa phương.

Tọa đàm về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW nhân dịp 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,57%, nâng độ che phủ của rừng đạt 41,45%, giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD... Đáng chú ý là số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện nay, lực lượng kiểm lâm cũng đang còn nhiều tồn tại và đối mặt với không ít những khó khăn thách thức. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương như: phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, đặc biệt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu bất thường là nguyên nhân khách quan còn xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi. Tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp; việc bảo vệ người thi hành công vụ, giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức kiểm lâm khi bị thương, hy sinh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho rằng, kiểm lâm phải làm tốt việc phối hợp giữa các ngành, các cấp và giữa địa phương. Hiện các tỉnh giáp ranh với Phú Thọ đã ký kết các quy chế phối hợp và các huyện cũng phải triển khai. Khi tổng kết quy chế phối hợp không chỉ là ngồi đánh giá mà còn phải đi kiểm tra để để kịp thời trao đổi, bổ sung cho sát thực tế.

Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, ngoài thay đổi về nhận thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, lực lượng kiểm lâm cần trau dồi kiến thức về chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ kiểm lâm, chấp hành tốt các cơ chế, chính sách đã được quy định trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kiểm lâm không chỉ quản lý, bảo vệ rừng mà còn hỗ trợ phát triển cộng đồng người làm nghề rừng ở địa phương cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm rất cần sự tham gia phối hợp của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp có liên quan để quản lý hiệu quả hơn 14 triệu ha rừng trên cả nước, ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.

Dịp này, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các 40 tập thể và 71 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Kiểm lâm gắn với dân, với rừng; tinh thông về nhiệm vụ; trong sạch, vững mạnh”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục