Kiểm soát dòng tiền và ưu tiên phục hồi ngành, lĩnh vực mũi nhọn

17:17' - 01/06/2022
BNEWS Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát dòng tín dụng đúng mục đích; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

 

Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát dòng tín dụng đúng mục đích; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Kiểm soát dòng tín dụng đúng mục đích

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng trong năm qua với 7/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra; GDP tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ, cả năm đạt 2,58%, thu ngân sách nhà nước tăng 16,8%. Tuy nhiên, hiện nay có những dấu hiệu không lành mạnh trong hoạt động của hai thị trường tài chính và bất động sản. Do đó, để tiếp tục củng cố kinh tế vĩ mô, ngăn chặn những nguy cơ bất ổn, tạo tiền đề vững chắc cho sự phục hối kinh tế sau đại dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần phải làm rõ mối quan hệ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản, mà hiện nay dòng tiền lưu chuyển qua 2 thị trường này thông qua kênh tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán, nhất là trái phiếu doanh nghiệp thiếu minh bạch và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

Theo đại biểu, hiện nay một lượng vốn rất lớn được đưa vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, tiền tiết kiệm của người dân đổ vào đầu cơ các dự án bất động sản đang nằm im ở khắp nơi, không tạo ra giá trị sử dụng. Thị trường bất động sản nhà ở đô thị mất cân đối cung- cầu, tăng giá giả tạo, trong khi đó, nhiều khu dân cư mới bỏ hoang, chỉ mua đi bán lại của những người đầu cơ.

Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tín dụng năm 2022 như đã ban hành; kiểm soát lạm phát nhưng không siết chặt tín dụng, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng quan trọng nhất phải kiểm soát dòng tín dụng đúng mục đích, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính khiến các dự án bất động sản không triển khai được, đó là các quy định liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất và định giá đất để Nhà nước thu tiền sử dụng đất. Tháo gỡ điểm nghẽn này vừa tăng cung cho thị trường, vừa giúp kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2022.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nêu, trong 3 tháng đầu năm 2022, GDP tăng nhanh, đạt 5,03%, lạm phát cũng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, theo đại biểu, tình trạng chậm giải ngân gói phục hồi phục hồi kinh tế, chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là nỗi lo thường trực.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Trong đó chủ yếu chú trọng đầu tư giải ngân vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay, vướng nhất là ở khâu thủ tục để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đại biểu đề xuất, tách việc bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án, giúp việc triển khai dự án được nhanh hơn; gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, địa phương trong việc chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công quyết liệt, hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến thời điểm này các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn.

“Chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách, nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ của Chương trình rất khó khả thi”, đại biểu cho biết.

Do đó, đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, cải cách thủ tục hành hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện giải ngân, triển khai chính sách.

Ưu tiên phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó chú trọng phục hồi, phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, phục hồi kinh tế sau dịch nên bắt đầu tập trung ở phục hồi du lịch và hàng không. Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau.

Theo đại biểu, trong thời gian tới, rất cần các chính sách đủ mạnh và dài hơi để giúp ngành du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ như xây dựng ở quy mô quốc gia các chương trình quảng bá du lịch quốc gia trên thế giới; Áp dụng công nghệ vào việc tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung phân tích, những năm tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, thương mại quốc tế, đầu tư và du lịch quốc tế, các hoạt động văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, sinh hoạt xã hội ở các nước trên thế giới từng bước trở lại trạng thái bình thường, phục hồi và phát triển, ngành hàng không cũng phục hồi hoạt động, đạt mức trước đại dịch và tiếp tục phát triển. Hỗ trợ ngành hàng không cần đủ quy mô và thời gian để phục hồi và bứt phá. Trong thời gian vừa qua, đã có các gói hỗ trợ ngành hàng không vượt qua giai đoạn khủng hoảng của đại dịch như giảm 30-50% thuế môi trường, giảm 50% phí hạ cất cánh. Tuy nhiên, các chính sách trên đang được thông qua từng năm (hiện mới được thông qua trong 2020-2021) trong khi các ảnh hưởng của đại dịch dự kiến là dài hạn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần đủ lớn về quy mô cũng như thời gian, không chỉ hỗ trợ về tài chính, nguồn vốn mà còn có cơ chế chính sách, ví dụ như hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, trong đó có vận tải hàng không, đặc biệt thể chế hóa, luật hóa các chính sách, cơ chế, giải pháp phát triển…

Nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu; có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ tối đa để người lao động không phải bất đắc dĩ rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Cùng với đó tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân gắn với cơ cấu lao động sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân và coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng nông thôn phát triển bền vững, văn minh và hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục