Kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế vùng Đông Nam Bộ sẽ sớm phục hồi

19:25' - 15/09/2021
BNEWS Do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nề nhất trong cả nước nên đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

 “Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 9 thì tình hình kinh tế - xã hội cả vùng sẽ từng bước trở lại phục hồi trong những tháng cuối năm, các chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo sẽ được phục hồi nhanh trong quý IV”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.

• Nhiều địa phương có thể tăng trưởng âm năm 2021

Tại “Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 của Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức chiều 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công khu vực Đông Nam Bộ năm 2022; trong đó có đánh giá khá chi tiết dự báo về tình hình thực hiện cả năm 2021.

Theo đó, khu vực gồm Tp.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước được dự báo tăng trưởng -0,13%, so với kế hoạch đặt ra cả vùng là 6,2-6,5%.

Theo báo cáo, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 9 thì tình hình kinh tế - xã hội cả vùng sẽ từng bước trở lại phục hồi trong những tháng cuối năm, các chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo sẽ được phục hồi nhanh trong quý IV.

Nguyên nhân được giải thích là do tác động của dịch bệnh COVID-19. Chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ.

Các địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp - xây dựng như: Bà Rịa - Vũng Tàu phụ thuộc 70,21%, Bình Dương (67,5%), Đồng Nai (60,22%) tiếp tục khó khăn do thiếu nhiên liệu để sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhân công lao động và ngưng trệ sản xuất.

Các địa phương có cơ cấu kinh tế lớn phụ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ như Tp.Hồ Chí Minh phụ thuộc 62,4% gặp khó khăn do Thành phố trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị đóng băng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khoảng 80% bị ngừng trệ hoạt động, nhiều công ty đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột dẫn đến giảm doanh thu cũng như mất khả năng thanh toán. Theo tính toán, khoảng 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch; trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng.

Theo bà Bùi Thị Thu Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc dừng sản xuất kéo dài có thể làm mất đơn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khoảng 80% doanh nghiệp bị ngừng trệ hoạt động, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột dẫn đến giảm doanh thu cũng như mất khả năng thanh toán. Khoảng 26,5% doanh nghiệp FDI đã thu hẹp quy mô, 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ngoài ra, tình trạng lao động về quê gây nguy cơ thiếu lao động lành nghề sau dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, giá cả, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt, cùng đó nguồn lực thiếu hụt, không còn nguồn dự phòng chi cho công tác phòng chống dịch khiến các địa phương rất khó khăn.

Bà Thủy cũng nêu rõ các khó khăn hiện nay của 19 tỉnh phía Nam. Đó là toàn vùng cũng đã trải qua thời gian giãn cách dài; trong đó Tp. Hồ Chí Minh đã trải qua 105 ngày giãn cách, 18 tỉnh còn lại đã trải qua 60 ngày giãn cách nên đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội không chỉ của vùng mà còn của cả nước.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán các sản phẩm chủ lực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt thấp. Tâm lý của người nông dân chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát nên sản xuất cầm chừng nên nguy cơ gây đứt gẫy chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Đa số các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ cho rằng, khả năng cắt giảm quy mô trong 12-18 tháng tới là cao. Với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đóng cửa 1 tháng đồng nghĩa họ đang bị đẩy ra khỏi chuỗi và nhường cơ hội cho các cơ sở sản xuất ở những nơi khác.

Phục hồi kinh tế trong năm 2022

Tuy vậy, trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế của vùng Đông Nam Bộ sẽ dần phục hồi sau đại dịch. Kịch bản được đưa ra với điều kiện khu vực kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh trong năm 2021.

Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng dự kiến tăng khoảng 5-6,5%. Cơ cấu kinh tế năm 2022 của vùng duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80% trong GRDP. Khu vực này dự báo sẽ xuất khẩu giá trị hàng hóa khoảng 115,89 tỷ USD trong năm 2022.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu các giải pháp để giải quyết các bất cập về quy hoạch với quản lý đô thị, đảm bảo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng giải quyết triệt để các vấn đề ngập lụt, kẹt xe, áp lực quá tải về mật đô dân cư, ô nhiễm môi trường. Vùng cần phấn đấu trở thành nơi đáng sống của cả người dân và khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Ngoài ra, vùng cần cơ cấu lại nền kinh tế, xác định rõ động lực tăng trưởng của từng địa phương và cả vùng. Tp.Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện các đề án đột phá như xây dựng trung tâm tài chính của quốc gia, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho thành phố Thủ Đức theo nguyên tắc một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Hiện, Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại Quyết định số 3204/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 nhằm xây dựng các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội, giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.

Hiện, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới. Do vậy, Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm.

“Chúng tôi ước tính riêng Tp Hồ Chí Minh cần khoảng 8 tỷ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế; đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho Tp. Hồ Chí Minh ở mức 23%.

Tp. Hồ Chí Minh có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép Tp. Hồ Chí Minh thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư phòng chống dịch; đồng thời, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà Thành phố đã kiến nghị”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề xuất.

Trong các nhóm giải pháp, Tp. Hồ Chí Minh xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”. Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “sống khỏe trong môi trường có dịch”...

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số địa phương có điều kiện phát triển như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần sắp xếp, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường phát triển du lịch sau dịch bệnh, giảm dần phụ thuộc khai thác dầu khí.

Các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, các địa phương đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ; đồng thời, đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục