Giải pháp tiêu thụ nông sản cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

17:06' - 04/09/2021
BNEWS Sản lượng nông sản, các loại rau quả tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là khá lớn, trong khi đó việc lưu thông, tiêu thụ vẫn đối mặt với không ít khó khăn do dịch COVID-19.

Sản lượng nông sản, các loại rau quả tại Đồng bằng sông Cửu Long cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là khá lớn, trong khi đó việc lưu thông, tiêu thụ vẫn đối mặt với không ít khó khăn do dịch COVID-19, vì vậy cần có giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề cập tại tọa đàm trực tuyến "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do Báo Người lao động tổ chức ngày 4/9.

Còn nhiều khó khăn

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, các địa phương đã thu hoạch 1 triệu ha lúa Hè Thu, tiêu thụ 6 triệu tấn lúa; 3,8 triệu tấn rau màu và 4 triệu tấn trái cây.

Dù dịch COVID-19, và các biện pháp giãn cách xã hội gây ra nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực của các địa phương, các bộ, ngành nên hàng hóa cơ bản vẫn được luân chuyển, sản lượng tiêu thụ vẫn tương đương hằng năm.

Theo ông Lê Thanh Tùng, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiêu thụ thêm 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn trái cây các loại. Riêng trong tháng 9, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa; hàng tháng có khoảng 400.000 tấn trái cây các loại và 250.000 tấn rau cần tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các loại trái cây cần tiêu thụ theo mùa vụ hoặc xuất khẩu với sản lượng lớn như: thanh long, xoài, cam mỗi loại 35.000 tấn, bưởi 40.000 tấn, chuối 50.000 tấn… cũng cần phải giải quyết đầu ra một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thông tin, dù những bất cập trong kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đã được khắc phục một phần, nhưng nhìn chung tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn.

Chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hoá do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối.

Thêm vào đó, chi phí lưu thông hàng hóa tăng 3-4 lần so với trước khi có dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng nông dân khó tìm đầu ra và phải bán nông sản với giá rất thấp nhưng người mua lại phải trả với giá rất cao.

Tại Long An, nhiều mặt hàng nông sản đang có hiện tượng tồn đọng do tiêu thụ chậm. Cụ thể trên 1.100 tấn chanh, khoai lang, ổi, rau quả; gần 320 tấn thịt heo, gà, vịt, 477.500 trứng gia cầm và hơn 1.836 tấn thủy sản các loại gồm: tôm thương phẩm, cá tra giống, ếch…

“Trong khi đó, chi phí vật tư đầu vào cũng tăng liên tục khiến nhiều nông dân không mặn mà với việc tái sản xuất cho các mùa, vụ sau”, ông Nguyễn Minh Lâm nêu thực trạng.

Thành phố Cần Thơ là đầu mối tập trung các nhà máy thu mua, chế biến lúa gạo và cá tra xuất khẩu của các tỉnh Tây Nam Bộ. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, do yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương có lúa ngoài đồng đã chín, đổ ngã, cá tra dưới ao đã quá size nhưng không có người thu hoạch, Mạng lưới thương lái thu mua dừng hoạt động do vướng quy định đi lại…, trong khi các nhà máy chế biến không có đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Tới thời điểm này, 95% trong tổng số doanh nghiệp tại Cần Thơ đã đóng cửa do không đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất "3 tại chỗ". Số doanh nghiệp còn lại cũng chỉ duy trì sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất, việc kiểm soát đi lại khó khăn, chi phí sản xuất "3 tại chỗ" quá cao.

"Những doanh nghiệp này chủ yếu cầm cự để trả các đơn hàng đã đến hạn giao, không thể trì hoãn thêm, sau đó cũng sẽ tạm ngừng vì không thể "gồng gánh" thêm được nữa", ông Trần Việt Trường thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T chia sẻ, là doanh nghiệp liên kết và bao tiêu sản phẩm trái cây xuất khẩu ở nhiều địa phương nên khi các tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội thì công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi nhu cầu của khách hàng nước ngoài đang tăng, sản lượng trái cây của các địa phương cũng rất lớn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại vướng ở khâu thu mua, sơ chế, vận chuyển.

Cụ thể, để có thể duy trì hoạt động trong gần 2 tháng qua, doanh nghiệp phải bố trí sản xuất "3 tại chỗ" theo quy định, song việc này chỉ có thể duy trì được 30-50% công suất hoạt động.

Bên cạnh đó, nhân viên, người lao động của công ty còn phải tuân thủ thời gian giới hạn ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày, thực hiện việc xét nghiệm…, khiến sản lượng trái cây thu hoạch, sơ chế, xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp không thể gánh nổi chi phí, trong khi nông dân không tìm được đầu ra, có xu hướng bỏ bê việc chăm sóc vườn cây. Hệ lụy lâu dài là kể cả sau khi hết dịch, doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu đạt chất lượng cho xuất khẩu và sẽ mất khách hàng.

Cần có giải pháp căn cơ

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai việc tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các tỉnh thành; tổ chức các diễn đàn kết nối cung - cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ; xây dựng chương trình combo nông sản cung ứng cho các "điểm nóng" như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Trong những ngày gần đây việc kết nối này đã phát huy được hiệu quả, góp phần lớn cho tiêu thụ sản phẩm nông sản của các địa phương.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập tổ công tác của từng tỉnh để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy việc lưu thông, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành trong khu vực, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian phòng, chống dịch.

Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, qua đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tìm được đầu ra dễ hơn các nông hộ sản xuất riêng lẻ, các nông sản có chứng nhận OCOP hay VietGAP đều tiêu thụ rất nhanh.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương cần đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện hiệu quả công tác dự báo thị trường, sản lượng, thời điểm thu hoạch để điều tiết sản xuất – tiêu thụ hiệu quả nhất.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin, thông qua Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đã tập hợp được 139 đầu mối cung cấp hàng hoá nông sản, thủy sản với tổng sản lượng cung ứng gần 23.000 tấn. Đến nay, các đầu mối này đã chủ động kết nối với các đơn vị thu mua, tiêu thụ được trên 5.800 tấn nông sản, thủy sản các loại.

Tuy nhiên để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, thủy sản của khu vực, ông Trường cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến số lượng lớn mới có thể giải quyết được đầu ra nhanh chóng cho các vùng nguyên liệu hiện nay.

Về lâu dài, cần xây dựng sàn giao dịch thu mua nông sản, thủy sản cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đầu ra cho nông sản, thủy sản các địa phương chính là các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm tại các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Do đó, khi dịch COVID-19 lây lan diện rộng, khâu thu hoạch, vận chuyển bị ách tắc thì không chỉ nông dân gặp khó khăn mà các doanh nghiệp cũng rơi vào tình thế thiếu nguyên liệu sản xuất.

Các giải pháp kết nối tiêu thụ hiện nay mới chỉ là tình thế, để có thể thích ứng với các tình huống bất ngờ như dịch COVID-19 hay các rủi ro khác, doanh nghiệp kiến nghị cần sớm có cơ chế đầu tư, xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia, đặt tại các vùng nguyên liệu lớn.

Chỉ có hệ thống này mới đủ sức chứa và lưu trữ sản lượng lớn các nông sản, thủy sản khi vào vụ thu hoạch và điều tiết nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

”Nếu hệ thống kho lạnh được đầu tư và vận hành hiệu quả, nông dân sẽ không phải lo đầu ra cho nông sản, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu sản xuất, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản thời gian qua”, bà Lý Kim Chi phân tích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục