Kiểm toán Nhà nước: Hoàn thiện cơ chế tự chủ đại học công lập

13:15' - 19/03/2019
BNEWS Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.
 Trường Đại học Cần Thơ tư vấn cho các học sinh. Ảnh: Chương Đài - TTXVN 

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước". Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dự Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Qua một thời gian, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập đã đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đã được nâng lên, áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo được giảm nhẹ.

Một số trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi để tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc, cụ thể như: Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng; việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí...

Các ý kiến tại hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhất là đối với giáo dục đại học. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát tốt việc quản lý đối với giáo dục đại học.

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là về quản trị hệ thống và quản trị nhà trường, trong đó tự chủ đại học là yêu cầu tiên quyết đặt ra nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của đất nước.

Để làm được điều này, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng cho rằng, một hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất và thông thoáng là rất cần thiết giúp cho các nhà trường thực hiện quyền tự chủ một cách đầy đủ và thực chất.

Mặc dù đây là vấn đề được bàn thảo nhiều, cũng như được đề cập rất nhiều trong các văn bản pháp quy của Nhà nước nhưng đến hiện tại, tự chủ đại học vẫn được xem là vấn đề “nóng”, là yêu cầu bức thiết của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, kể cả công lập và ngoài công lập của Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Khôi Nguyên (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng): Mô hình thí điểm tự chủ đã cho phép các trường có tính chủ động mở ngành mới, vừa đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, vừa giảm bớt các thủ tục hành chính.

Số ngành/chương trình đào tạo mới (bao gồm cả mở các ngành, chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và chương trình liên kết quốc tế) được mở ở nhiều bậc học, tùy thuộc vào năng lực và định hướng phát triển của nhà trường.

Tuy chưa có một thống kê chính thức, nhưng qua các kì tuyển sinh đại học gần đây, các trường thí điểm tự chủ đại học đã chủ động mở các ngành mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực du lịch.

Đi kèm với đó là việc mở các ngành/chuyên ngành đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến hoặc liên kết với nước ngoài....

Nêu giải pháp nhằm đổi mới cơ chế thực hiện tự chủ đối với các trường đại học công lập, Tiến sỹ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học như chính sách về lao động, tiền lương, công chức, viên chức, chính sách học bổng, hỗ trợ học tập; nghiên cứu thay việc hỗ trợ ngân sách nhà nước theo mức độ tự chủ của các trường đại học công lập sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công.

Từ đó thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công...

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về việc tuân thủ các quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập; thực trạng về cơ chế tự chủ tài chính, những bất cập, hạn chế của hệ thống cơ chế chính sách hiện hành và nhận diện những nguyên nhân; vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc góp phần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học công lập.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục