Kiểm tra chuyên ngành nông nghiệp phải về một đầu mối từ 1/1/2019

14:52' - 14/11/2018
BNEWS Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu, từ 1/1/2019 các đơn vị chuyên ngành thuộc bộ phải hoàn thành việc đưa kiểm tra chuyên ngành về một đầu mối.
Tại Hội nghị xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/11, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu, từ 1/1/2019 các đơn vị chuyên ngành thuộc bộ phải hoàn thành việc đưa kiểm tra chuyên ngành về một đầu mối để đồng bộ trong hoạt động.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu, từ 1/1/2019 các đơn vị chuyên ngành thuộc bộ phải hoàn thành việc đưa kiểm tra chuyên ngành về một đầu mối. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, xác định một số nhóm hàng nhập khẩu đang chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau thuộc bộ. Một trong những chồng chéo nổi cộm là giữa kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định giao một đầu mối thống nhất kiểm tra nhà nước là cơ quan kiểm dịch.

Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trước thông quan. Cục Thú y thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu trước thông quan theo quy định pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong phát triển Chính phủ điện tử tại bộ.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thời gian tới, các đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tập trung tối đa nhân lực, khẩn trương hoàn thiện phần mềm để thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng thông suốt từ 15/12/2018.

Về cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Bộ sẽ phải sửa đổi bổ sung hai nghị định: Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và một thông tư là Thông tư số 46/2015/TT-BNNPTNT quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng. Dự kiến, các văn bản này sẽ hoàn thành trong quý 2/2019.

Tính từ đầu năm đến ngày 31/10/2018, kết quả tiếp nhận xử lý giải quyết hồ sơ cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 239.671 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/giấy chứng nhận điện tử 216.375 hồ sơ; đang tiếp tục xử lý 23.296 hồ sơ.

Chỉ tính 10 tháng năm 2018, số lượng hồ sơ điện tử các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia nhiều hơn cả năm 2017 là 17.979 hồ sơ (tăng 8,1%).

Mặc dù tiếp nhận số lượng hồ sơ tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng việc xử lý, giải quyết cấp phép/giấy chứng nhận điện tử vẫn được đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay một số đơn vị như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y Vùng II, Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài…đạt trên 98% hồ sơ cấp phép điện tử.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP, sửa và giảm 131/170 điều kiện.

Số điều kiện còn lại sửa và giảm trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) và các nghị định tới đây ban hành của 2 luật này tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.

Theo ông Ngô Hồng Giang, để giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan xuất nhập khẩu, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, ngày 30/10/2018, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT bao gồm 02 danh mục: danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng; danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 76%).

Điều này đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Ông Ngô Hồng Giang cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính tại 5 đơn vị.

Theo kế hoạch năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thành triển khai 10 thủ tục hành chính mới. Như vậy, với việc triển khai 28 thủ tục hành chính qua Cổng một cửa quốc gia thì có tới 95% các hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý qua cấp phép điện tử.

Về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhóm hàng kiểm tra chuyên ngành, đến nay ngành có 839 tiêu chuẩn và 211 quy chuẩn. Trong năm 2018, ngành phải hoàn thành 27 quy chuẩn và 139 tiêu chuẩn. Nhưng trong 10 tháng, ngành mới có 6 quy chuẩn và 62 tiêu chuẩn được cấp số hiệu. Nhiều lĩnh vực vẫn còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn như thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục