Kiểm tra khắc phục ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

17:57' - 27/03/2024
BNEWS Ngày 27/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã dẫn đầu đoàn kiểm tra tiến độ và vận hành thử trạm bơm dã chiến Xuân Quan (Hưng Yên).

Sau khi kiểm tra một số điểm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thi công rất nhanh trạm bơm dã chiến Xuân Quan và kịp thời đưa vào vận hành cho mùa khô để pha loãng nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trạm bơm dã chiến chỉ là tình thế. Trạm bơm thường chỉ hoạt động khoảng 6 tháng/năm. Mỗi ngày sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng tiền điện. Nhưng để đảm bảo môi trường cho hệ thống thì phải chấp nhận.

Về lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần có giải pháp căn cơ hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị các bước để sớm xin ý kiến địa phương, cơ quan chuyên môn để xây dựng đập dâng tại cống Xuân Quan. Khi đó, nước ở đây sẽ là tự chảy, không phải bơm. Với lưu lượng nước tự chảy khoảng 40-50 m3/s thì hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải sẽ không bị ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường, kể cả nếu có làm đập dâng thì vẫn là đưa nước thải từ chỗ này sang chỗ khác (đổ ra biển). Do đó, giải pháp lâu dài, nhưng cũng cần khắc phục ngay là tình trạng mỗi ngày có khoảng 500.000m3 nước thải đổ vào hệ thống Bắc Hưng Hải phải qua hệ thống thu gom.

Hiện các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ bản đã có xử lý trước khi đổ thải, nhưng trong khu dân cư chiếm 70% lượng nước thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rất tích cực xây dựng quy hoạch tổng thể việc này.

"Cùng với đó, phải quy hoạch lại các khu dân cư, khu sản xuất; đồng thời phải quản lý được. Tránh trường hợp khi làm xong vẫn mọc các nhà máy, khu công nghiệp lại tiếp tục đổ thải ra hệ thống thủy lợi thì không thể đảm bảo bền vững lâu dài", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, công trình được khởi công vào ngày 28/12/2023, ngày hoàn thành dự kiến 28/3/2024. Tuy nhiên, đến ngày 22/3/2024 công trình đã vận hành thử và đến 7h45’ ngày 24/3/2024 công trình đã vận hành chính thức để bổ cập nguồn nước vào hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, chất lượng thi công của công trình đáp ứng theo hồ sơ thiết kế và tiến độ đã vượt kế hoạch đề ra.

Thời gian thi công rất ngắn (3 tháng), lại đúng vào dịp lễ Tết Nguyên đán. Điều kiện thời tiết mưa rét nhiều và đúng giai đoạn xả nước từ hồ chứa thủy điện để lấy nước vào hệ thống phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân.

Để khắc phục tình trạng trên, được sự chỉ đạo của Cục Thủy lợi, Chủ đầu tư cùng Nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ khi công trình được khởi công. Nhà thầu thi công đã tăng số lượng máy móc, nhân sự để có thể thi công 3ca/ngày đảm bảo tiến độ thi công đã đề ra.

Các bên liên quan thường xuyên có mặt tại công trường để xử lý các công việc điều chỉnh, phát sinh trong quá trình thi công kịp thời, không ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng của công trình, ông Trịnh Thế Trường cho hay.

Từ đầu tháng 3/2024 đến nay, nước trên kênh Kim Sơn luôn có màu đen, mùi hôi thối nồng nặc dài khoảng 33 km bắt đầu từ hạ lưu cống Báo Đáp đến khu vực cầu Sặt (thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang).

Sau 24h vận hành (tính đến 7h45 ngày 25/3), nước ô nhiễm trên kênh Kim Sơn đã được pha loãng dần. Đoạn từ hạ lưu Báo Đáp đến cầu Tăng Bảo II (dài khoảng 10,65km), màu nước đã hết đen và không còn mùi hôi. Đoạn còn lại (từ Tăng Bảo II đến thị trấn Sặt) vẫn đen và có mùi hôi.

Sau 53 giờ vận hành (13h45 ngày 26/3), nước được cải thiện thêm 10km đến cầu Hầu (nước màu xanh nhạt, không mùi).

Ông Nguyễn Văn Khiêm, đội 4, thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, mấy hôm gần đây, nước trên kênh bớt màu đen và mùi hôi thối rõ rệt. Những ngày trước đó, người dân hai bên cả ngày đêm phải chịu cảnh mùi hôi thối nồng nặc. Thậm chí, hàng quán ăn phải đóng cửa do khách không dám đến ăn.

Nếu có nguồn nước bổ sung từ cống Xuân Quan thì nguồn nước được cải thiện. Tuy nhiên, nếu dừng bổ sung thì nguồn nước ô nhiễm lại quay trở lại. Nếu nhà nước đã đầu tư trạm bơm dã chiến và nguồn nước được bổ sung thường xuyên trong mùa khô thì người dân nơi đây bớt khổ vì ô nhiễm môi trường từ con kênh này, ông Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ.

Ông Trịnh Thế Trường đánh giá, việc vận hành trạm bơm Xuân Quan pha loãng để giảm thiểu ô nhiễm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong vòng 72h vận hành 8 tổ máy với tổng lượng nước bổ sung 4,147 triệu m3 thì nước ô nhiễm trên kênh Kim Sơn có thể được pha loãng đoạn dài khoảng 33km (từ hạ lưu Báo Đáp đến khu vực Bình Giang).

Giai đoạn tới, mở cống Xuân Quan lấy nước kết hợp với vận hành trạm bơm bổ sung nguồn nước cho kênh Kim Sơn thì ô nhiễm nước trên kênh Kim Sơn được cải thiện.

Ông Trịnh Thế Trường cho biết, trước mắt công ty sẽ vận hành tối đa trạm bơm Xuân Quan để pha loãng, giảm thiểu ô nhiễm nước. Dự kiến sẽ vận hành liên tục từ nay đến hết tháng 4/2025.

Công ty đề nghị Viện Kỹ thuật tài nguyên nước (đơn vị tư vấn) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành quy trình vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải để sớm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và ban hành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục