Kiểm tra quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng tại 7 địa phương

16:34' - 02/06/2022
BNEWS Bộ Xây dựng vào cuộc kiểm tra quản lý chi phí hợp đồng xây dựng tại 7 địa phương gồm: Quảng Ninh, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai và Lâm Đồng.

Nhằm thúc tiến độ giải ngân các công trình trọng điểm, Bộ Xây dựng đã vào cuộc kiểm tra quản lý chi phí hợp đồng xây dựng tại một số địa phương. Cụ thể, theo quyết định và kế hoạch vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký ban hành thì sẽ kiểm tra tại 7 địa phương gồm: Quảng Ninh, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai và Lâm Đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, từ 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 252/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và Văn bản số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022 của Văn Phòng Chính phủ về việc biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dựng giao thông trên cả nước nhất là tại 7 địa phương nêu trên.

Trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng đang có biến động giá mạnh, việc giải ngân các dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, kế hoạch kiểm tra của Bộ Xây dựng nhằm theo sát thực tế, chia sẻ và tiếp thu các khó khăn, vướng mắc; làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thời gian sớm nhất. Mục tiêu là đưa các dự án về đích đúng tiến độ, kịp thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, những khó khăn vướng mắc trong quản lý Nhà nước về quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng trong hoạt động đầu tư xây dựng. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh và đề xuất những giải pháp hoàn thiện các quy định; tổ chức thực hiện, quản lý hiệu qủa chi phí đầu tư xây dựng công trình, nâng cao vai trò, trách nhiệm các Sở, ngành tại địa phương về công tác tham mưu, xây dựng, thẩm định, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, việc quản lý và thực hiện hợp đồng xây dựng đáp ứng với tình hình xây dựng mới trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu, việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, trung thực, không gây trở ngại đến hoạt động của các đơn vị được kiểm tra; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, để đảm bảo việc kiểm tra mang tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm. Kết quả kiểm tra phải được tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng sau khi tiến hành kế hoạch kiểm tra.

Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương về việc xây dựng, ban hành các quy định theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; rà soát, xây dựng, ban hành định mức đặc thù tại các địa phương theo quy định của Nghị định 10; quản lý, công bố giá vật liệu, thiết bị xây dựng, chỉ số giá xây dựng từ năm 2021 đến nay.

Việc công bố giá vật liệu tập trung vào các nội dung như: danh mục công bố, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, giá công bố; thời gian, hiệu lực, tần suất công bố; nguồn dữ liệu xác định công bố... Liên quan đến chỉ số giá xây dựng là danh mục công trình công bố, cơ cấu, tỷ trọng thành phần của các dữ liệu đầu vào để tính chỉ số giá xây dựng, tần suất công bố, dữ liệu giá để tính chỉ số giá.

Cùng đó, nội dung kiểm tra tập trung vào thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng số 62/2020/QH4, Nghị định 10 đối với một số dự án trọng điểm do UBND tỉnh quyết định đầu tư; khâu quản lý hợp đồng xây dựng đối với một số dự án trọng điểm do UBND tỉnh quyết định đầu tư trọng tâm về việc quản lý chi phí, tiến độ, hình thức hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng...

Bộ Xây dựng khẳng định, việc kiểm tra theo kế hoạch, hướng dẫn về quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng tại các địa phương là hoạt động quan trọng thể hiện sự “vào cuộc” quyết liệt của Bộ Xây dựng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, lắng nghe đề xuất kiến nghị từ các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát tại chân công trình để có thông tin chính xác, phù hợp với thực tế diễn biến hiện tại.

Hiện Bộ Xây dựng đã giao Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu giải pháp về tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thuận tiện, không chồng chéo gây vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các địa phương đề nghị báo cáo các nội dung kiểm tra và cung cấp tài liệu liên quan. Đồng thời, tổ chức làm việc với UBND cấp tỉnh và làm việc với một số cơ quan chuyên môn về xây dựng, Ban quản lý dự án chuyên ngành, đơn vị tư vấn, thi công xây dựng và một số đơn vị có liên quan khác.

Cùng đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương lập báo cáo nội dung kiểm tra, thời gian hoàn thành báo cáo gửi Bộ Xây dựng theo kế hoạch kiểm tra tại từng địa phương. Thời gian tổ chức thực hiện kiểm tra dự kiến trong quý II và III của năm 2022; thời gian kiểm tra tại mỗi địa phương từ 3-5 ngày và tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra vào quý III tới.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục