Kiên Giang chuyển gần 25.000 ha đất lúa sang trồng cây có giá trị cao

16:14' - 15/12/2020
BNEWS Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Kiên Giang thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích hơn 24.865 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác với diện tích hơn 24.865 ha, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Cụ thể, tỉnh chuyển đổi 19.514 ha lúa 2 vụ/năm vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên sang mô hình sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm; chuyển đổi hơn 3.688 ha đất lúa 2 - 3 vụ/năm sang phát triển mô hình lúa - màu, chuyên rau màu ở huyện Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng; chuyển đổi 1.684 ha khu vực trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hồ tiêu, khóm (dứa), chuối… ở Giang Thành, Hòn Đất, Rạch Giá, Châu Thành, U Minh Thượng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác nằm trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất sản xuất, giảm dần diện tích đất trồng lúa.

Việc chuyển đổi này, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa và tăng thu nhập của nông dân.

Trên cơ sở chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, tỉnh đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nhất là mô hình tôm - lúa, chuyên canh rau màu.

Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích từ khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha/năm tăng lên hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát chuyển đổi những khu vực đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái mang hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo đó, tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, điện, đường giao thông…, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, thực hiện liên doanh liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển diện tích trồng cây ăn quả và cây có giá trị kinh tế khác ở những nơi phù hợp.

Tỉnh đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục