Kiến nghị NHNN mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ

16:49' - 10/07/2021
BNEWS Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần, các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét một số nội dung.

Việc áp dụng Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Thông tư 03 của các tổ chức tín dụng vẫn đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Đầu tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, có 2 điểm mới quan trọng đáng lưu ý. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết năm 2021. Đồng thời, phân bổ lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm, từ năm 2021-2023.

Việc áp dụng Thông tư 03 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vay vốn, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chính sách cũng giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, nhằm tránh "cú sốc" lợi nhuận ở các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận phản ánh từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai thực hiện một số điểm trong Thông tư 03 ở các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đối với việc phân loại nhóm nợ, hiện nay theo quy định việc xác định nhóm nợ dựa trên các mốc thời gian hiệu lực của khoản vay; điều kiện xác định nhóm nợ lại dựa trên 3 mốc thời điểm khác nhau: nhóm nợ trước ngày 23/01/2020, nhóm nợ liền trước ngày thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03 và nhóm nợ trước ngày chuyển nợ quá hạn đầu tiên. Do đó, việc phân loại nợ trở nên phức tạp và khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ theo Thông tư 03 hiện đang được thực hiện thủ công. Điều đó khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.

Do đó, các tổ chức tín dụng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giữ nguyên nội dung của Thông tư 01 về việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ.

Cụ thể là thống nhất nhóm nợ được giữ nguyên là nhóm nợ được các tổ chức tín dụng phân loại nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020.

Mặt khác, để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021), các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét một số nội dung.

Cụ thể, kiến nghị không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi.

Kiến nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ của khoản nợ như sau: "Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 hoặc đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, tùy thời điểm nào đến sau".

Đồng thời, đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong năm 2021, ngành ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Do vậy, việc sớm tháo gỡ một số điểm còn khó khăn, vướng mắc trong Thông tư 03 sẽ giúp các ngân hàng thương mại có cơ sở pháp lý đầy đủ, dễ dàng hơn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ.

Đặc biệt, trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, dòng tiền bị đứt gãy, do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp, thì việc tiếp cận càng sớm sự hỗ trợ của ngành ngân hàng có ý nghĩa rất lớn, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tính đến cuối tháng 4/2021, các ngân hàng trên tại Tp.Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ với tổng dư nợ đạt 1,05 triệu tỷ đồng, cho 401.336 khách hàng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 196.540 khách hàng với dư nợ đạt 227.675 tỷ đồng.

Các ngân hàng trên tại Tp.Hồ Chí Minh đã miễn giảm lãi cho 124.652 khách hàng với dư nợ đạt 7.657 tỷ đồng; cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 80.144 khách hàng với doanh số đạt 815.970 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận và xử lý 778 trường hợp doanh nghiệp khó khăn được phản ánh qua kênh các sở, ngành, quận huyện và hiệp hội doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục