Kiến tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

16:35' - 10/02/2025
BNEWS Nhà nước cần đứng vai trò “bệ đỡ”, kiến tạo từ chính sách, hỗ trợ về vốn và tiếp cận tín dụng để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành đầu năm nay về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu; trong đó, đáng chú ý là việc cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng và ghi nhận rằng, các chính sách của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn lại kết quả đạt được của năm trước, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã đạt hơn 147.000 doanh nghiệp; trong đó, 190 doanh nghiệp cùng 359 sản phẩm đã đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.   

Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023... Qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, số doanh nghiệp hoạt động trong các thành phần kinh tế tăng dần qua các năm đã cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế cùng nỗ lực của Chính phủ, ý Đảng quyện lòng dân thực sự là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, sau 40 năm đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thế giới đang trong thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ, cũng đem đến thời cơ, thuận lợi mới; đồng thời, xuất hiện các khó khăn, thách thức mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030 sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

 

Để đạt mục tiêu này rất cần sự đoàn kết, nhất trí của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng; phát huy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào tất cả các lĩnh vực phát triển và quản lý đời sống vĩ mô và vi mô.

Nhưng để mở rộng được quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khuyến nghị, Nhà nước cần đứng vai trò “bệ đỡ”, kiến tạo từ chính sách, hỗ trợ về vốn và tiếp cận tín dụng để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của nhân tố là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Thêm vào đó, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ và đổi mới tổ chức thông qua chuyển đổi cơ cấu, chiến lược phát triển điều hành và văn hóa thực thi; cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ được điều chỉnh phù hợp khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp cải thiện, nâng cấp và phát triển; cần có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trường, tăng cường trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế hay nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ bên ngoài để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Cuối cùng, cần có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách chủ động.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, năm 2025, dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ đã được ban hành sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được chính quyền tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản,… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác tạo nguồn lực cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của chính trị thế giới sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Việt Nam. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ,… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2024 đến nay.

Với quyết tâm tăng tốc để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhiều mục tiêu đề ra như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hiệp hội mong muốn, các cơ quan Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua các gỉải pháp tăng cường tinh thần trách nhiệm, chú trọng thái độ phục vụ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo động lực, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ngoài ra,  đầu tư cải tiến, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng: kho bãi, cảng xuất khẩu, sân bay, trung tâm hội chợ triển lãm quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế,... Điều chỉnh hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về thuế, ưu đãi đất đai.... để hỗ trợ sự phát triển của kho ngoại quan thương mại điện tử, đầu tư mạnh hạ tầng logistics, khuyến khích ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp đẩy mạnh hoạt động bán hàng và xuất khẩu

Chủ tịch Hiệp hội HUBA cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các lĩnh vực như mặt bằng, cơ sở hạ tầng,  nguồn nhân lực; cùng các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính thuận lợi để thể hiện thực chất sự đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó,  nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động kết nối khác theo hướng tiết giảm chi phí tối đa, ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục