“Kiềng 3 chân” để giảm phát thải nhà kính

13:07' - 15/05/2018
BNEWS Trước mắt, sẽ tập trung thực hiện ở các ngành tiêu thụ năng lượng nhiều; có các thông tư, quy định định mức tiêu hao năng lượng như các ngành thép, hóa chất, nhựa…
“Kiềng 3 chân” để giảm phát thải nhà kính. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.
Cùng với việc triển khai Chương trình Tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có được phương pháp về kịch bản giảm nhẹ phát thải phù hợp. Đây sẽ là những vấn đề giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa đóng góp giảm phát thải nhà kính trong thời gian tới.

Nhận định trên được nhiều chuyên gia năng lượng đưa ra tại Hội thảo phương pháp luận xây dựng Kế hoạch thực hiện báo cáo “Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs)” trong lĩnh vực năng lượng, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, vấn đề NDCs và Thỏa thuận Paris còn rất mới và đòi hỏi Việt Nam cần có phương pháp luận, cách tiếp cận thống nhất giữa các bên, nhất là các bộ, ngành có liên quan.

Bởi khi Việt Nam xác định giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc và tự nguyện cho tới năm 2030 thì phải biết giảm với cái gì, so với thời điểm nào, và để xác định mức giảm đó, phải có phương pháp thống nhất, thuyết phục cả về phía khả năng thực hiện của quốc gia, của ngành và sự chấp nhận của quốc tế.

Ông Tâm cũng cho hay, tiết kiệm nặng lượng và năng lượng tái tạo là 2 trong 3 mảng công việc lớn đóng góp cho giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Tiết kiệm năng lượng mang tính chiến lược, lâu dài của quốc gia.

Do vậy, trên cơ sở kết quả giai đoạn thực hiện mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng từ 2006-2015 mà Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì triển khai.

“Chúng tôi cũng đang soạn thảo chương trình giai đoạn mới đến 2030 để triển khai chương trình về tiết kiệm năng lượng quốc gia ở Việt Nam. Chương trình này hi vọng sẽ đóng góp lớn cho triển khai NDCs ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự kiến trong năm 2018, sẽ hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ ban hành”, ông Tâm nói.

Đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững cũng cho hay, trước mắt, sẽ tập trung thực hiện ở các ngành tiêu thụ năng lượng nhiều; có các thông tư, quy định định mức tiêu hao năng lượng như các ngành thép, hóa chất, nhựa…

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục xây dựng, ban hành thông tư quy định về hiệu suất năng lượng, là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước quản lý, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm quốc gia, tiêu thụ năng lượng nhiều, để có các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.

Cùng chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng cho hay, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến 2030 với mức tự nguyện đạt 62,7 triệu tấn CO2, tương đương 8%; nếu có sự hỗ trợ từ nước ngoài có thể giảm thêm 135,3 triệu tấn CO2, tương đương 17%.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, dù Việt Nam đã có nhiều quy định, chính sách hỗ trợ cho tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, song phương pháp tiếp cận trong NDCs vẫn chưa cho thấy tiềm năng giảm nhẹ ở các ngành và phân ngành; chưa đưa ra được các giải pháp giảm nhẹ cho nhiều ngành; trong đó có nhiều ngành sử dụng nhiều năng lượng và có tiềm năng… Do vậy, cần có một phương pháp tiếp cận phù hợp hơn.

Cụ thể, theo ông Khánh, để xác định mục tiêu giảm phát thải, cần xây dựng đường phát thải cơ sở và nhận diện các giải pháp nhằm phát thải theo cách tiếp cận từ dưới lên; cập nhật các giả định về số liệu hoạt động theo dự báo, quy hoạch mới nhất. Nên lấy năm 2010 làm năm mốc để phân định chính sách, bởi nếu chọn năm cơ sở là năm 2014, sẽ bỏ qua các nỗ lực thực hiện 2010 – 2014 và do vậy dẫn tới giảm mức phát thải như cam kết…

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Cường, hai nhóm công nghệ được nhận diện trong các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực phát điện gồm công nghệ than sạch và điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Nguyên tắc chung khi xây dựng phương pháp tiếp cận là phải cụ thể hóa các dạng công nghệ theo chính sách hiện hành: gió ven biển, trong đất liền, sản xuất điện, chôn lấp rác và thiêu đốt rác…; đồng thời phải tường minh, rõ ràng để thuận tiện cho đánh giá và cập nhật sau này; xác định mục tiêu giảm phát thải từ hai mức như mục tiêu tổng thể quốc gia là tự nguyện và có sự hỗ trợ quốc tế…

Hiện nay, các hướng dẫn và quy định thực hiện Thỏa thuận Paris và NDCs vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; các quy định của pháp luật và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về giảm phát thải còn nhiều hạn chế…

Vì vậy, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, Việt Nam cần có quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ cắt giảm phát thải nhà kính và sự tài trợ, hỗ trợ kỹ thuậ của các tổ chức quốc tế trong vấn đề này…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục