Kim chỉ nam để chương trình hàng Việt hoạt động hiệu quả

13:27' - 16/08/2020
BNEWS Chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian này, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.

Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Kể từ đó, Đề án được triển khai và đã trở thành kim chỉ nam trong hoạt động thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đề án được xây dựng và ban hành với mục tiêu chính là: Đánh giá và rút ra những kết luận chủ yếu về thực trạng của thị trường trong nước đối với hàng Việt từ khi có Cuộc vận động; trong đó làm rõ thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; Xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  giai đoạn 2014 - 2020 (Cuộc vận động); Đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020, góp phần xây dựng thói quen văn hóa sản xuất, tiêu dùng hàng Việt theo mục tiêu của Cuộc vận động đã xác định.

Với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai thực hiện Đề án, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các nội dung của Đề án. Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai gần 400 dự án, nhiệm vụ với kinh phí 75 tỷ đồng thực hiện Đề án.

Triển khai Đề án từ ngân sách trung ương, giai đoạn 2014-2020, đã có gần 3.000 tin, bài, chương trình truyền hình thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo hình, báo điện tử, hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước; tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường với các đối tượng ưu tiên nhân viên làm việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ cá thể.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định với nhiều sáng tạo tại các địa phương trên cả nước nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa; nhóm điểm bán hàng Việt Nam gắn với quảng bá đặc sản vùng, địa phương; nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị

Tính đến nay, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng mô hình này do những hiệu quả mà mô hình mang lại.

Theo ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trước đây, khi chưa xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, do hàng hóa được bày lẫn vào nhau nên người dân khó khăn khi nhận biết đâu là hàng hóa Việt Nam. Sau này, khi xây dựng điểm bán hàng, hàng hóa đã được chia thành từng quầy rõ ràng. Nhờ đó, người dân dễ nhận biết hơn, tốc độ tiêu thụ hàng Việt ngày càng khả quan hơn.

Bên cạnh hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí triển khai, nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của các điểm bán này, các tỉnh, thành phố cũng đã bổ sung ngân sách địa phương để nhân rộng thêm hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam khác.

Điển hình như Thanh Hóa đã tự xây dựng thêm 15 điểm bán tại 11 huyện miền núi phía Tây; Tây Ninh đã cấp kinh phí xây dựng thêm 9 điểm bán; Lâm Đồng đã nhân rộng thêm 2 điểm để quảng bá các đặc sản địa phương như cà phê, mác ca, sa chi, trà sâm đương quy...

Theo nhận định từ giới phân tích, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian này, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.

Khi ra đời, Đề án đã hướng tới mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng Cuộc vận động nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ”.

Sau 6 năm triển khai Đề án, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Trong thời gian qua đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trên cả nước, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam“.

Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường; trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.

Cùng với đó, tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam nhanh:  Saigon Co.opmart mở được hơn 114 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 800 điểm; Vincommerce đã mở được hơn 100 siêu thị Vinmart và 2.000 cửa hàng Vinmart+...

Đề án được triển khai hiệu quả đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2014-2019 tăng khá ở mức 10-12% so với năm trước; trong đó mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, du lịch...

Mặt khác, Đề án giúp duy trì, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước; hệ thống phân phối đã được phát triển mạnh mẽ, không ngừng cải tiến, đa dạng hóa, từ đó mang đến một diện mạo mới cho ngành bán lẻ Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, Đề án còn khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19; nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng đã có những chuyển biến đáng kể.

Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đề xuất sớm ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới, trong đó có nội dung “Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục