Hàng Việt "chiếm lĩnh" tại các hệ thống phân phối lớn

13:42' - 12/08/2020
BNEWS Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%.

Sáng 12/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với giai đoạn 2014 – 2020 (Đề án). Hội nghị nhằm tổng kết, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014. Đồng thời, đề xuất thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lực chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Đề án, đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.

Ngoài ra, đã tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo về kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam,...

Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước cho thấy, hàng Việt tại hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart đang chiếm từ 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, BRG Retail 90% và hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh chiếm tới 95%...

Không những thế, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 60% đến 96% như tại Lotte hàng Việt chiếm 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng, Big C 96% theo doanh thu, AEON 80% theo mã hàng, MegaMarket 95% theo mã hàng. Riêng với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án khẳng định, sau 6 năm triển khai, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục.

Cùng với đó, hỗ trợ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức.

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc tăng cường tuyên truyền quảng bá sâu rộng thường xuyên và liên tục các nội dung với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động trên các phương tiện truyền thông đại chúng báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử với khoảng gần 3.000 chuyên trang, tin, bài đã thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước; ngành phân phối là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đặc biệt, hầu hết các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đều đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng như vừa qua.

Chính vì vậy, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, lưu thông thường xuyên, không những đủ đáp ứng cho thị trường trong nước, bảo đảm nhu cầu cho người dân mà còn xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới.

Ông Trần Duy Đông cũng chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai Đề án, vẫn còn một số tồn tại như ngân sách hạn chế, chưa có Thông tư riêng hướng dẫn việc triển khai Đề án dẫn đến quá trình thanh, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, nhiều địa phương chưa gắn việc xây dựng thực hiện Đề án với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai các chương trình thuộc Đề án...

Không những thế, hệ thống phân phối hàng hóa vẫn còn tồn tại một số bất cập, hệ thống hạ tầng thương mại chợ xuống cấp, khu vực nông thôn, miền núi còn thưa thớt, còn kẽ hở cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa thu hút hàng hóa Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Do vậy, để tiếp tục triển khai Cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, ông Trần Duy Đông kiến nghị Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đề xuất tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động” trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, trong đó bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt.

Mặt khác, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông cho biết, việc phát triển thị trường và thương mại cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nâng cao sức mua và cải thiện đời sống nông dân.

Vì thế, cần có định hướng, quy hoạch thiết thực, hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nông sản trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, trên cơ sở  huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại thị trường trong nước, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển thị trường trong nước.

Đặc biệt, phát triển liên doanh, liên kết sâu rộng giữa thương mại với sản xuất; đồng thời, tạo sự kết nối cung cầu chặt chẽ bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần phát triển thương mại trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục