Kinh nghiệm chăn nuôi từ các doanh nghiệp FDI

16:00' - 14/06/2018
BNEWS Trong gần 2 năm giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản, treo chuồng nhưng doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn.
Từ cuối năm 2016 giá lợn hơi bắt đầu lao dốc, đến tháng 5/2018 mới tăng trở lại. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 5/2018, tổng đàn lợn trên địa bàn Đồng Nai là hơn 2,2 triệu con; trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài có 1,2 triệu con (chiếm trên 50% tổng đàn), số còn lại thuộc về doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Từ cuối năm 2016 giá lợn hơi bắt đầu lao dốc, đến tháng 5/2018 mới tăng trở lại, hiện đã đạt khoảng 47.000 đồng/kg. Trong thời gian lợn hơi rớt giá thê thảm (có lúc còn 15.000 đồng/kg), người chăn nuôi trong nước đối mặt rất nhiều khó khăn, không còn khả năng cầm cự.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Đồng Nai, đến đầu năm 2018, hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô dưới 100 con) đã phải treo chuồng, ngưng nuôi lợn vì không còn vốn. Tuy nhiên, giá lợn xuống thấp không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp chăn nuôi FDI, bởi các doanh nghiệp này có tiềm lực mạnh, nuôi theo chuỗi, tự túc được con giống, thức ăn, điều này giúp họ giảm giá thành.

Ông Quang khẳng định, tổng đàn lợn ở Đồng Nai hiện vẫn ở mức cao, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trong gần 2 năm giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản, treo chuồng nhưng doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn. Đây là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đàn lợn ở Đồng Nai tăng được chứng minh qua số liệu nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.

Theo thống kê của Sở Công Thương Đồng Nai, riêng tháng 5/2018, Đồng Nai nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt khoảng 98 triệu USD, tăng 20% so với tháng 4 và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Qua 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Đồng Nai đạt gần 380 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng như trên không phải xuất phát từ nhu cầu của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà do doanh nghiệp FDI tăng đàn. Hiện có những nghi vấn rằng doanh nghiệp FDI đang “bắt tay” làm giá để lũng đoạn ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam, song đây chỉ là nghi vấn vì thiếu bằng chứng.

Thực tế hiện nay, giá lợn hơi tăng cao nhưng người nuôi nhỏ lẻ không còn lợn để bán, đối tượng hưởng lợi lớn nhất lúc này là doanh nghiệp chăn nuôi FDI. Thời điểm này, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài còn cung cấp số lượng lớn lợn giống với giá cao cho các trang trại, hộ chăn nuôi trong nước, thu lợi nhuận cao.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng đàn của cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp FDI. Việc kiểm soát số lượng lợn của các doanh nghiệp FDI phải được thực hiện chặt chẽ.

Nhà nước cần nghiên cứu, đưa ra quy định cho doanh nghiệp FDI nuôi lợn thịt thì không cấp phép nuôi lợn nái và ngược lại. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị trường./.

>>> Khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn lợn

>>> Gà Hồ đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục