Kinh tế 6 tháng: Tín dụng tăng trưởng chậm

14:11' - 21/06/2023
BNEWS Từ đầu năm đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, đạt 3,36%.
Ngày 21/6, phát biểu tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, lẫn khách quan mà tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn còn chậm.

Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với các biện pháp điều hành và chỉ đạo, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

 
Theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Nhưng đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, đạt 3,36% nghĩa là với hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu. Đây cũng là con số tăng trưởng tín dụng khá chậm nếu so với các năm trước.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không, việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cần đi kèm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đây là bài toán khó của Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc cho rằng, tín dụng tăng thấp từ đầu năm đến nay có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, do doanh nghiệp rất khó khăn do đơn hàng giảm, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động.

Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng cao, sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, một số lĩnh vực như thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Cụ thể, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng;  chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục