Nhận diện thách thức với ngành giao thông

18:49' - 28/09/2022
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, năm 2022 là năm đầy thách thức đối với ngành, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ giao hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước.

Kết quả công tác 9 tháng năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải đã đạt những kết quả tích cực, song nhiệm vụ 3 tháng cuối năm còn rất nặng nề khi Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành 361 km trục cao tốc Bắc – Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, giải ngân 100% vốn đầu tư được giao.

Đồng thời, ngành phải khởi công các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường băng sân bay Long Thành…

 

Điểm sáng giải ngân vốn và hoạt động vận tải
Trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải được coi là một trong những đầu tàu quan trọng, được ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu tư rất lớn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, năm 2022 là năm đầy thách thức đối với ngành, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ giao hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công này thông qua 6 đợt giao và điều chỉnh kế hoạch. Đây là một trong những kết quả tích cực minh chứng cho những nỗ lực của toàn ngành.
Thông tin về kết quả giải ngân, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đến hết tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 53%).
Kết quả giải ngân vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước (47%). Tuy nhiên, ông Lưu Quang Thìn thừa nhận, con số này vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (61%). Do đó, từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng (46,3%).
“Như vậy, để hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm 2022, từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân mỗi tháng trên 7.000 tỷ đồng, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nữa từ các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đến nhà thầu”, ông Lưu Quang Thìn nhìn nhận.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư được giao theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022, lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho hay, cần phải thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ, ngành dẫn đầu có kết quả giải ngân vốn đầu tư tốt. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, để công tác giải ngân đạt được kết quả đúng kỳ vọng, ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT với những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân rất cụ thể cho từng đối tượng: chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu của bộ.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng, thường xuyên phối hợp với Cục, Vụ chuyên môn rà soát khối lượng thực hiện.
Để tạo động lực giải ngân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải luôn yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phấn đấu mục tiêu tỷ lệ giải ngân hàng tháng phải cao hơn từ 8 - 10% so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra thông điệp rõ ràng, đó là những chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân được phân bổ sẽ bị xem xét không giao nhiệm vụ quản lý dự án tại các dự án mới do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Ngoài kết quả tích cực từ giải ngân vốn đầu tư công, trong bức tranh 9 tháng của ngành giao thông vận tải, hoạt động vận tải cũng được xem là điểm sáng. Số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, thị trường vận tải đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực, đặc biệt là vận tải hành khách. Cụ thể, ở lĩnh vực hàng không, lượng hành khách thông qua cảng hàng không 9 tháng ước đạt 75 triệu khách, tăng hơn 162% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số lượng hành khách thông qua cảng hàng không quốc tế ước đạt 6,7 triệu khách, tăng 1.797,2%; Số lượng hành khách thông qua cảng hàng không nội địa ước đạt 68,3 triệu khách, tăng 141,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Ba quý đầu năm, đường sắt cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 3,4 triệu lượt khách, tăng 176% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa đường sắt đạt 4,3 triệu tấn trong 9 tháng, tăng 4,3%.
Đối với vận tải đường thuỷ, lượng hành khách vận chuyển đạt hơn 201 triệu lượt, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Vận tải hàng hóa đường thủy cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 292 triệu tấn. Tương tự, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng là hơn 557,5 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Lời hứa hoàn thành 361 km cao tốc
Sau gần 4 tuần kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải phát động đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đã có những cải thiện đáng kể trên công trường triển khai 4 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo các chuyên gia giao thông, ngày 31/12/2022 là thời hạn hoàn thành phần lớn các gói thầu xây lắp mà các nhà thầu ký với Bộ Giao thông Vận tải. Về lý, các nhà thầu có trách nhiệm thực hiện theo đúng điều khoản hợp đồng, nhưng việc các công trường bị đóng băng trong thời gian đỉnh dịch COVID-19; tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp; giá cả nhiều loại vật liệu đầu vào tăng đột biến; điều kiện thời tiết bất lợi... nên nếu không có sự hỗ trợ, động viên, khích lệ, thì khó có thể đạt được tiến độ đề ra.
Trên thực tế, áp lực trong đợt nước rút 120 ngày đêm đối với các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công là rất lớn, bởi tính đến thời điểm phát động thi đua hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc này, tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới đạt 69,5%; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 55,72%; Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50,18% giá trị hợp đồng. Thời hạn 3 tháng để hoàn thành công việc bằng cả 2 năm trước đó đòi hỏi các chủ thể tại 4 dự án nói trên phải nỗ lực cao độ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc kịp thời thay thế những đơn vị thi công yếu kém, để đợt nước rút có kết quả, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương liên quan cần sớm có sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng vật liệu, cần có cơ chế thanh toán nhanh gọn, kịp thời và ban hành các thông báo giá sát thực tế.

Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam chia sẻ, nếu không cố gắng để hoàn thành dứt điểm công trình trong khoảng 3 tháng tới thì thiệt hại với các đơn vị thi công còn nặng nề hơn, bởi kéo dài thêm ngày nào sẽ càng phát sinh thêm chi phí tài chính do giá nhiên liệu, vật liệu còn diễn biến phức tạp.
Thực tế, đã có không ít lãnh đạo các đơn vị thi công cho biết chấp nhận bù lỗ vì đã xác định “lời ăn lỗ chịu”, các đơn vị đã huy động thêm nguồn lực tài chính để hoàn thành dứt điểm gói thầu. Tuy nhiên, các đơn vị cũng mong muốn cơ quan nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ để các nhà thầu giảm bớt khó khăn, đặc biệt là sớm ban hành chỉ số giá, bù giá do giá nhiên nguyên liệu tăng cao thời gian qua.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đợt thi đua nước rút này cũng chính là thước đo quan trọng nhất để xác định những đơn vị thi công, nhà đầu tư có năng lực thực sự, có ý thức trách nhiệm cao với đất nước để tiếp tục chọn chỉ định thầu tại Dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án hạ tầng trọng điểm khác.
Đây được coi là một trong những yếu tố quyết định việc hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các nhà thầu, đơn vị thi công phải thể hiện được bản lĩnh, năng lực và quyết tâm, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh lời hứa hoàn thành 361 km cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục công việc để khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, tiến độ hiện nay đang bám sát, đáp ứng yêu cầu rất tốt. Đến ngày 31/10/2022 phải hoàn thành thiết kế; chậm nhất đến 15/11/2022 phê duyệt toàn bộ dự toán của dự án để sẵn sàng khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần vào cuối tháng 12/2022.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu khởi công đường băng, nhà ga sân bay Long Thành. Hiện nay, công tác thi công đất tại dự án đạt khoảng 16 triệu m3 nhưng vẫn chậm so với tiến độ yêu cầu do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều. Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến tháng 6/2023, toàn bộ công tác đắp đất gồm 110 triệu m3 đất phải hoàn thành. Đồng thời, đầu tháng 10/2022 phải khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất…/. 

>>>Ngành đường bộ khẩn trương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục