Kinh tế Anh vẫn dưới mức trước đại dịch COVID-19

07:04' - 01/10/2022
BNEWS Theo báo cáo mới được công bố hôm 30/9, nền kinh tế của Anh dù ghi nhận tăng trưởng trong quý II/2022 nhưng vẫn ở dưới mức đỉnh ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo mới được công bố hôm 30/9, nền kinh tế của Anh dù ghi nhận tăng trưởng trong quý II/2022 nhưng vẫn ở dưới mức đỉnh ghi nhận trước đại dịch, qua đó cho thấy những thách thức mà tân Thủ tướng Liz Truss phải đối mặt.

 
Trong bản cập nhật ước tính tăng trưởng mới nhất, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết nền kinh tế này bất ngờ tăng trưởng 0,2% trong giai đoạn từ tháng 4 – 6/2022, đảo ngược so với mức ước tính giảm 0,1% trước đó. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Anh vẫn chưa rơi vào suy thoái. Dù vậy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II vẫn thấp hơn 0,2% so với mức ghi nhận hồi cuối năm 2019.

Nhưng ONS lại điều chỉnh giảm ước tính về khả năng phục hồi của Anh sau dịch COVID-19, phản ánh thực tế rằng cuộc khủng hoảng y tế có tác động lớn đến nền kinh tế hơn so với suy nghĩ ban đầu vào năm 2020.

Ông Paul Dales, chuyên gia kinh tế tại tổ chức tư vấn Capital Economics, cho biết mặc dù có nền kinh tế đón nhận tin tức lạc quan hơn trong quý II, bức tranh tổng thể vẫn cho thấy nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ hơn dự kiến trước đây.

Một báo cáo riêng biệt cho thấy giá nhà ở Anh đã không tăng theo tháng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021, một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự suy thoái của thị trường do giá sinh hoạt phi mã và lãi suất tăng.

Bộ trưởng Tài chính mới của Anh, ông Kwasi Kwarteng, tuần trước đã công bố một kế hoạch kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất trong vòng 50 năm. Khoản hỗ trợ thuế sẽ được lấy từ nguồn vay chính phủ lên tới hàng chục tỷ bảng.

Ông Kwarteng nêu rõ trước mắt chính phủ sẽ dành 200 tỷ bảng (khoảng 250 tỷ USD) để cắt giảm thuế. Chính phủ cũng sẽ chi ra 60 tỷ bảng (66,6 tỷ USD) để trợ cấp chi phí khí đốt và điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10.

Nhưng thay vì chú ý đến lời cam kết của Bộ trưởng Kwarteng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư lo sợ về viễn cảnh lạm phát cao hơn do hậu quả của việc cắt giảm thuế. Họ đã phản ứng với thông tin trên bằng cách bán đi đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh, khiến đồng tiền của nước này rơi xuống những mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong khi lợi suất trái phiếu tăng vọt. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sau đó đã phải can thiệp để bình ổn thị trường tài chính nước này với một chương trình mua trái phiếu chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục