Kinh tế Argentina trước ngưỡng cửa thả nổi hay thắt chặt tiền tệ

08:33' - 21/11/2015
BNEWS Nền kinh tế Argentina đang oằn mình trong sự tiến thoái lưỡng nan của cuộc bỏ phiếu tổng thống vòng hai, giữa sự thay đổi hay tiếp tục những chính sách đã được thực thi suốt hơn 10 năm qua.
Ứng cử viên Daniel Scioli, người bảo vệ vai trò điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế. Ảnh: Reuters

Trong đó, sự tiến thoái lưỡng nan chủ yếu giữa một giới tài chính nóng lòng muốn thả nổi đồng nội tệ và các chủ nhà máy lo sợ chính sách mở cửa sẽ không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa nhập khẩu. 

"Lửa thử lửa" trong cuộc bầu cử vòng hai lần đầu tiên trong lịch sử Argentina giữa ứng cử viên liên minh cầm quyền Mặt trận vì thắng lợi (FpV) Daniel Scioli, người bảo vệ vai trò điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế, với ứng cử viên cánh hữu của liên minh Đề xuất Cộng hòa (PRO) đối lập Mauricio Macri, một người của giới thượng lưu tin tưởng và đặt cược hoàn toàn vào thị trường tự do và khu vực tư nhân, coi đây là động lực duy nhất thúc đẩy nền kinh tế phát triển. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng bất kể ai giành chiến thắng vào ngày 22/11 tới để trở thành người dẫn dắt đất nước có nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này chắc chắn sẽ phải tiến hành cải cách chính sách quản lý tỷ giá hối đoái vô lý hiện nay với sự chênh lệch giữa ngân hàng và chợ đen.

Át chủ bài của ông Scioli là tố cáo chính sách thả nổi đồng nội tệ của ông Macri hay nói cách khác phá giá đồng tiền, sẽ gây nên tình trạng lạm phát đáng kể và ảnh hưởng tới đời sống của người dân. 

Đa phần các nhà đầu tư nước ngoài muốn ông Macri giành thắng lợi. Tuy nhiên, chắc chắn cả hai sẽ phải phá giá đồng peso, với ông Macri điều này sẽ diễn ra nhanh chóng trong khi với ông Scioli điều này sẽ diễn ra từ từ và có lộ trình.

Các doanh nhân của ngành công nghiệp trong nước bày tỏ không muốn chứng kiến lại cảnh các nhà máy bị đóng cửa hàng loạt như hồi những năm 90 của thế kỷ trước với việc cho phép nhập khẩu tự do hàng hóa. Những người này ủng hộ ông Scioli vì những chính sách bảo vệ sản xuất trong nước. 

Ứng cử viên Mauricio Macri, người đặt cược hoàn toàn vào thị trường tự do và khu vực tư nhân. Ảnh: Reuters

Tại nhiều khoa của trường Đại học Tổng hợp Buenos Aires, đa phần các sinh viên bỏ phiếu cho ông Macri, mặc dù đều khẳng định sẽ không cho phép ông này động đến lĩnh vực giáo dục công và miễn học phí. Ông Macri là người phản đối các khoản chi phục vụ phúc lợi xã hội bởi cho rằng điều này dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách. 

Một vấn đề vô cùng hóc búa với chính phủ mới đó là việc thương lượng với các chủ nợ nước ngoài. Ông Macri cho rằng cần phải thanh toán các khoản nợ này, điều mà Chính phủ của bà Cristina Fernandez luôn phản đối bởi cho rằng đây là những quỹ đầu cơ luôn tìm cách mua lại trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị thực tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi. 

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, trong đó, Buenos Aires đã thuyết phục được các chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên Tòa án New York, đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD. 

Thẩm phán Tòa án New York Thomas Griesa đã ra phán quyết ủng hộ các quỹ này, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự.

Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD. Cho tới nay, Buenos Aires vẫn luôn phản đối phán quyết trên và tìm cách thanh toán cho các chủ nợ mà nước này công nhận trong khi bỏ qua các quỹ đầu cơ này. Cuộc chiến giữa các chủ nợ với Chính phủ Argentina vẫn chưa có hồi kết. 

Diệu Hương (TTXVN tại Buenos Aires) 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục