Kinh tế Đà Nẵng phục hồi ấn tượng

12:41' - 04/10/2022
BNEWS Tính chung cả 3 quý vừa qua, GRDP của Đà Nẵng đã tăng vượt bậc, ước đạt 16,76% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 21,69%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%.

Từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế thành phố Đà Nẵng phục hồi ấn tượng và tăng tốc rõ rệt theo từng quý. Các sở ngành, đơn vị, địa phương đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng này để hoàn thành vượt kế hoạch cả năm 2022, thiết lập nền tảng vững chắc cho năm 2023.

 

Nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, Đà Nẵng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2020, thành phố tăng trưởng âm 9,77% và năm 2021 chỉ tăng trưởng 0,18%.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025), từ cuối năm 2021, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2022; trong đó tập trung vào chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” với một số chỉ tiêu cụ thể như tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng 6-7% so với năm 2021, thu ngân sách vượt 3-5% số thu của năm 2021…

Sau quý I/2022, kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nên GRDP chỉ tăng 0.98% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng 7% cả năm. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như: đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thí điểm mô hình chính quyền đô thị; chủ động đề xuất Trung ương tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, đầu tư; đẩy mạnh thu hút đầu tư và quảng bá du lịch… Nhờ vậy, GRDP của thành phố đã tăng 12,3% trong quý II và tăng 39,15% trong quý III.

Tính chung cả 3 quý vừa qua, GRDP đã tăng vượt bậc, ước đạt 16,76% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 21,69%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,83% (riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 9,09%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,38%. Quy mô nền kinh tế thành phố theo giá hiện hành ước đạt 92.238 tỷ đồng, mở rộng 14.808 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng mạnh, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động bán lẻ, du lịch đã tạo cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, các cấp chính quyền thành phố đã khẩn trương, kịp thời triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.

Thành phố tập trung triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đà Nẵng cũng quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành như: dịch vụ du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xây dựng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Duy trì đà tăng trưởng

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Văn Vũ cho rằng, Đà Nẵng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cơ bản phục hồi nhưng không đồng đều; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu; thu hút FDI giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ; mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động; còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…

Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trên, thành phố cần tiếp tục có những giải pháp tập trung hỗ trợ, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh trong quý cuối của năm.

Cụ thể, thành phố cần tiếp tục tổ chức các sự kiện đặc sắc, mới lạ nhằm thu hút khách du lịch quốc tế trong dịp cuối năm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm; các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Lê Thanh Tùng, trong những tháng cuối năm, chính quyền thành phố tiếp tục bám sát nhiệm vụ, công việc được giao theo chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Các cấp, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; thực hiện tốt việc đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực du lịch – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Về du lịch, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt, ban hành các Đề án gồm: phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quản lý, khai thác tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành đến năm 2030.

Về công nghiệp, thành phố hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2; điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Hòa Ninh; điều chỉnh lại quy hoạch ranh giới khu công nghiệp Hòa Nhơn…

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, phấn đấu đến ngày 31/1/2023 đạt 100%. Lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án để bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.

Các đơn vị nỗ lực thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình đã cam kết gồm: nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; tuyến đường vành đai phía Tây; tuyến đường vành đai phía Tây 2; Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà; khánh thành Nhà máy nước Hòa Liên, khởi công Cảng Liên Chiểu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục