Kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý đầu năm

10:19' - 01/05/2025
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đối với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Đức, tranh chấp thuế quan do Tổng thống Mỹ khởi xướng là một yếu tố đặc biệt tiêu cực. 

Theo số liệu thống kê do Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 30/4, nền kinh tế Đức phục hồi nhẹ trong quý đầu năm nay, tăng 0,2% so với quý trước đó, sau khi điều chỉnh các yếu tố giá cả và mùa vụ. Như vậy, kinh tế Đức đã tránh được suy thoái kỹ thuật do nền kinh tế này đã sụt giảm 0,2% trong quý IV/2024.

Khởi đầu tích cực trong năm nay là nhờ cả chi tiêu tiêu dùng cá nhân lẫn đầu tư của các doanh nghiệp đều tăng so với quý cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với quý I/2024, kinh tế Đức đã suy giảm 0,2% và có khả năng tiếp tục đi xuống do chính sách thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đối với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Đức, tranh chấp thuế quan do Tổng thống Mỹ khởi xướng là một yếu tố đặc biệt tiêu cực. Michael Grömling, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Viện Kinh tế Đức, phát biểu trên đài công cộng ARD: "Cuộc chiến thuế quan đang gây áp lực rất lớn lên hoạt động kinh doanh thường ngày. Những ý thích nhất thời của ông Trump xuất hiện vào thời điểm không thích hợp và là một thử thách nghiêm trọng đối với nền kinh tế Đức. Chính phủ Đức mới phải có biện pháp đối phó phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) để mang lại cho các công ty sự ổn định nhất có thể trong thời điểm bất ổn này".

Các nhà kinh tế cũng dự kiến sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây đã nói về “mức độ bất ổn cực kỳ cao”.

Nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng đặc biệt bởi chính sách thuế quan của ông Trump vì Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, trên cả Trung Quốc và Hà Lan, và là nước mua hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức.

Theo Destatis, thương mại song phương Đức-Mỹ đạt khoảng 253 tỷ euro (286,5 tỷ USD) năm 2024, trong đó Đức xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 161 tỷ euro sang Mỹ, chiếm tới 10% tổng lượng hàng xuất khẩu của Đức. Đối với các nhà xuất khẩu Đức, thị trường Mỹ quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà thống kê nhấn mạnh: "Thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Đức sang Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến các ngành như công nghiệp dược phẩm và công nghệ y tế, cũng như kỹ thuật ô tô và cơ khí".

Triển vọng kinh tế Đức sẽ tươi sáng hơn đáng kể nếu tranh chấp thuế quan với Mỹ được giải quyết. EU đã hoãn kế hoạch áp thuế trả đũa với hy vọng có thể đàm phán, và ít nhất, ông Trump đã hứa miễn thuế cho các nhà sản xuất ô tô. Nền kinh tế trong nước cũng có khả năng được thúc đẩy nhờ gói đầu tư vài trăm tỷ euro của chính phủ liên bang dành cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng, mặc dù không phải ngay lập tức. Chính phủ liên bang sắp mãn nhiệm cho biết: "Các quyết định về chính sách tài khóa của chính phủ liên bang tương lai sẽ mang lại động lực tích cực, mặc dù điều này chỉ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng trong những năm tới".

Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Đức đạt ít nhất 1% năm 2026. Liên minh cầm quyền tương lai giữa Liên minh Cơ đốc giáo CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã công bố các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong đó có những kế hoạch hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Các đối tác liên minh cầm quyền mới cũng muốn giảm chi phí năng lượng và thuế doanh nghiệp, làm cho luật lao động linh hoạt hơn và giảm bớt tình trạng quan liêu. Việc phát triển năng lượng tái tạo dự kiến cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục