Kinh tế Israel trụ vững trước khủng hoảng, nhưng còn nhiều thách thức phía trước
Theo tờ The Times of Israel, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, Israel đã gượng dậy nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế khác, nhờ chính phủ và ngân hàng trung ương của nước này thực thi các chính sách tài khóa tiền tệ hợp lý, thặng dư tài khoản vãng lai cao, dự trữ ngoại tệ lớn và hệ thống ngân hàng lành mạnh.
Tương tự, trong cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Israel đã hồi phục nhanh chóng nhờ sự dẫn dắt của lĩnh vực công nghệ cao.
Hiện tại, các chỉ số nội bộ vẫn tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng kinh tế Israel đang đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ bên ngoài, bao gồm hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine, tình trạng lạm phát toàn cầu và thị trường chứng khoán yếu kém. Để vượt qua những thách thức này, Israel cần luôn thận trọng cũng như có các giải pháp hiệu quả và nhanh nhạy.
* Bài học quá khứ
Victor Bahar, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hapoalim, nhận định: Một lần nữa, kinh tế Israel lại chứng tỏ sức bền và vượt qua khủng hoảng tốt hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Có thể đó là do các nhà hoạch định chính sách và người dân đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng và siêu lạm phát hồi những năm 1980.
Trong những năm qua, tỷ lệ tiết kiệm trong dân luôn ở mức cao và chính phủ duy trì chính sách tài khóa thận trọng. Cùng với đó là khu vực công nghệ tăng trưởng ở mức cao ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch, nhờ đó giúp nền kinh tế gượng dậy nhanh chóng.
Các chỉ số kinh tế năm nay của Israel rất khả quan. Ngân hàng Israel dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,5% của thế giới, 3% của Khu vực sử dụng đồng euro và đà tăng 3,5% của Mỹ (theo dự báo của Fitch).
Tỷ lệ thất nghiệp, vốn tăng kỷ lục lên 15,7% trong năm 2020, đã trở lại mức trước dịch COVID-19 là khoảng 3%. Chuyên gia Bahar nói: “Khi xảy ra đại dịch, hầu hết mọi người đều cho rằng cú sốc trên thị trường lao động sẽ kéo dài. Nhưng thực tế chúng ta đã trở lại thị trường lao động tối ưu sớm hơn các dự báo lạc quan nhất. Tôi cho rằng đó là nhờ chính phủ trong tháng 7/2021 đã dừng chương trình trợ cấp thất nghiệp (do COVID-19), qua đó thúc đẩy người lao động trở lại làm việc”.
Chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett nhậm chức vào tháng 6/2021 với thành phần phức tạp và lợi thế đa số rất mong manh, nhưng đã thực thi chính sách tái mở cửa nền kinh tế bất chấp nguy cơ dịch bệnh. Trong tháng 11/2021, chính phủ đã thông qua được luật ngân sách, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Chuyên gia Bahar cho rằng về mặt điều hành kinh tế, Chính phủ Israel đã làm “trên cả tốt”.
Chính phủ mới cũng thực hiện một loạt cải cách về kinh tế. Độ tuổi nghỉ hưu cho nữ được nâng dần theo giai đoạn, từ 62 tuổi lên 65 tuổi. Ông Bahar nói: “Không một chính phủ nào trước đây dám động tới vấn đề này, và tất cả các nhà kinh tế đều xem đây là một thành công lớn”.
Ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giao thông được tăng lên. Rào cản hải quan được dỡ bỏ đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu. Ông Bahar nói tiếp: “Rất nhiều cải cách được thực hiện. Với một liên minh chiếm đa số mong manh và dễ đổ vỡ, chính phủ đã điều hành rất tốt”.
Theo số liệu của Ngân hàng Israel, GDP của nước này trong năm 2021 tăng tới 8,1%, mức cao nhất trong 21 năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 5,3% của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). GDP bình quân đầu người của Israel cũng tăng trưởng ấn tượng 6,3%, so với tốc độ tăng trung bình 5% của OECD.
Tính trong thập niên qua, GDP bình quân đầu người của Israel tăng 37%, từ mức 31.850 USD vào năm 2012 lên 43.500 USD năm 2022 (theo ước tính của công ty tư vấn BDO đăng trên tạp chí The Marker). Năm 2020, giữa khủng hoảng COVID-19, Israel đã gia nhập nhóm 20 quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Chuyên gia cao cấp tại công ty tư vấn tài chính ngân hàng Oppenheimer, ông Sergey Vastchenok nhận định: “Israel đã chạm đỉnh cao, và nằm trong nhóm 10-20 quốc gia giàu có và hiện đại nhất thế giới…, một sự chuyển đổi ấn tượng, chủ yếu là nhờ khu vực công nghệ cao”.
* Sức mạnh công nghệ
Trên thực tế, khu vực công nghệ đầy sức sống đã trở thành một cỗ máy thúc đẩy kinh tế Israel tăng trưởng trong suốt 30 năm qua. Làn sóng săn lùng công nghệ Israel đã kéo theo đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia và biến Israel thành một sân chơi nhộn nhịp cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Trong thời gian đại dịch, khu vực công nghệ không chỉ của Israel mà cả thế giới như được "chắp thêm cánh", do các nơi đều có nhu cầu chuyển đổi sang hoạt động trực tuyến. Sở hữu một trong những hệ sinh thái công nghệ tốt nhất thế giới với trên 7.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Israel không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này. Các công ty công nghệ chính là tấm đệm giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong đại dịch.
Trong quý I/2022, khu vực công nghệ của Israel đã huy động được gần 5,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn nhiều so với con số 8,1 tỷ USD trong quý IV/2021. Trong năm 2021, huy động vốn công nghệ đạt mức cao chưa từng có, trên 25 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2020.
Quý I/2022 ghi nhận 39 vụ thoái vốn của các doanh nghiệp Israel - bao gồm sáp nhập, sang nhượng để hiện thực hóa lợi nhuận hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng, thu về tổng cộng 9 tỷ USD. Năm 2021 hoạt động thoái vốn đạt mức cao kỷ lục 23,4 tỷ USD.
Năm 2021, đồng nội tệ NIS đã trở thành một trong những đồng tiền lên giá nhiều nhất. Thâm hụt ngân sách trong năm 2020 tăng mạnh, lên ngưỡng 11,6% GDP, do các khoản hỗ trợ dịch bệnh, và hiện đã giảm trở lại còn 1,2% GDP, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Năm 2019 thâm hụt ngân sách là 3,7% GDP. Tỷ lệ nợ quốc gia/GDP cũng được dự báo ở mức khoảng 66% trong năm nay, sau khi tăng lên 72,6% trong đại dịch.
Chuyên gia Bahar nói: “Tôi chưa thấy nền kinh tế nào giảm thâm hụt ngân sách nhanh như vậy”.
Từ đầu năm đến nay Israel đã có thêm 15 doanh nghiệp “kỳ lân”, tức là các doanh nghiệp tư nhân được định giá trên 1 tỷ USD, đưa tổng số lên 92 doanh nghiệp. Trong số này, 21 doanh nghiệp “kỳ lân” gia nhập nhóm năm 2021 và 19 doanh nghiệp gia nhập năm 2020.
Các doanh nghiệp này chủ yếu có trụ sở tại Israel, New York và Thung lũng Silicon (Mỹ), tuyển dụng nhiều lao động từ lập trình viên, kỹ sư, luật sư tới các nhân viên thiết kế, bán hàng, marketing.
Eden Shochat, một thành viên của Aleph VC - công ty đang tư vấn và quản lý lượng tài sản 850 triệu USD, nhận định: “Trẻ em tại Israel ngày nay hiểu rằng chúng không nhất thiết phải trở thành lập trình viên mới có thể làm việc trong môi trường công nghệ”.
Chuyên gia Shochat cho rằng có những dấu hiệu cho thấy khu vực công nghệ đang tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Nhiều lao động thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nay đã tham gia lĩnh vực công nghệ với các vai trò khác nhau. Hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
* "Mây đen" từ bên ngoài
Tuy nhiên, bức tranh của “Quốc gia khởi nghiệp” không phải chỉ có mầu hồng. Khu vực công nghệ hiện mới chỉ thu hút khoảng 10% lực lượng lao động. Số còn lại, đa phần là phụ nữ, cộng đồng Arab hoặc Do Thái chính thống vẫn ở ngoài lề. Mức chênh lệch về thu nhập vốn đã lớn nay càng lớn hơn.
Trong số các quốc gia OECD, Israel là một trong những nước có sự bất bình đẳng thu nhập lớn nhất. Trong khi nhiều người chật vật với chi tiêu hàng ngày, các nhân viên trong lĩnh vực công nghệ liên tục mua sắm những căn hộ và ô tô đắt tiền.
“Sự bất bình đẳng về thu nhập có thể gây ra tác động lâu dài trong xã hội Israel. Điều này sẽ phá hoại sự đoàn kết và có thể là vấn đề chính hiện nay”, chuyên gia Bahar cảnh báo.
Giá nhà tăng vọt và chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là hai vấn đề lớn mà Chính phủ Israel cần nhanh chóng giải quyết. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực chất lượng cao có thể cản trở khu vực công nghệ và tác động tới nền kinh tế.
Hơn nữa, tác động dai dẳng của dịch bệnh, xung đột tại Ukraine và lạm phát đang đè nặng lên các thị trường chứng khoán thế giới, khiến các doanh nghiệp công nghệ niêm yết bị ảnh hưởng và gây tác động lan truyền.
Chuyên gia Shochat cho rằng việc thị trường chứng khoán giảm sút sẽ “ảnh hưởng tới mọi thứ và mọi người”. Xu hướng này có thể tác động tiêu cực tới định giá doanh nghiệp và nhiều công ty công nghệ khác trong vòng 2-3 năm tới.
Tuy nhiên, các tin tức tiêu cực về vĩ mô sẽ chỉ mang tính chất tạm thời. Sự đổi mới mới là yếu tố bền vững.
Mặc dù nền kinh tế chống chịu rất tốt trong khủng hoảng, song cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel, Nadine Baudot-Trajtenberg cho rằng các nhà hoạch định chính sách Israel không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Bà cảnh báo “các đám mây đen đến từ bên ngoài sẽ lớn hơn rất nhiều những gì chứng kiến trong năm qua”.
Những "đám mây đen" này bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine khiến kinh tế toàn cầu bất ổn; và lạm phát cộng lãi suất tăng vọt làm rúng động các thị trường tài chính toàn cầu.
Các yếu tố này chắc chắn sẽ tác động tới đầu tư nước ngoài vào Israel, cản trở xu làn sóng đầu tư và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, làm suy yếu đồng nội tệ và khiến lạm phát trong nước tăng hơn nữa. Bà Baudot-Trajtenberg khẳng định: “Với Israel, cú sốc sẽ đến từ các luồng vốn bên ngoài”.
Một trong những bệ đỡ giúp Israel có được lạm phát thấp tương đối là sự mạnh lên của đồng nội tệ NIS trong 10 năm qua, một phần nhờ lãi suất trong nước cao hơn các nơi khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư phòng tránh rủi ro biến động tỷ giá bằng cách mua vào đồng NIS, càng hỗ trợ đồng tiền này. Hiện giờ, thị trường bên ngoài đã đảo chiều. Chuyên gia Baudot-Trajtenberg nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến các tổ chức đảo chiều công cụ phòng tránh rủi ro, nói cách khác sẽ có thêm dòng tiền chảy ra và bớt dòng tiền đổ về”.
Việc đồng nội tệ yếu đi, thực tế đã diễn ra trong vài tuần qua, sẽ gia tăng sức ép lên lạm phát trong nước và làm gia tăng tình trạng giải chấp và thanh toán nợ.
Chuyên gia Baudot-Trajtenberg nói: “Nhìn về phía trước, chúng ta chứng kiến những thách thức lớn hơn, nhưng cũng được trang bị tốt hơn để đối mặt nếu (chính phủ) đưa ra được các giải pháp phù hợp”.
Tuy nhiên, các nguy cơ sắp tới sẽ không cụ thể và trầm trọng như hậu quả của dịch COVID-19 để chính phủ có thể phản ứng nhanh chóng. Chuyên gia này nói: “Trước một cuộc khủng hoảng ‘nước sôi lửa bỏng’, bạn có thể phản ứng ngay lập tức. Vấn đề giờ đây nhiệt độ chỉ tăng từ từ. Vì vậy, liệu chúng ta có thể đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp hay không? Bởi ngay cả khi khủng hoảng lớn dần, chúng cũng không gây tình trạng ‘sôi trào’. Sức nóng sẽ được cảm nhận từ từ. Và đó luôn là một vấn đề nguy hiểm do các chính trị gia sẽ có xu hướng trì hoãn việc ra quyết định”./.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Israel phát triển mới cho công nghệ sản xuất thịt nhân tạo quy mô lớn
08:56' - 18/04/2022
Viện Công nghệ Israel (Technion) cho biết các nhà khoa học nước này đã dựa vào thực vật để phát triển các cấu trúc khung trong quá trình phát triển thịt "nuôi cấy", hay còn gọi là thịt nhân tạo.
-
Công nghệ
Israel sáng chế thiết bị cảm ứng theo dõi tiến trình thử nghiệm vaccine COVID-19
09:09' - 12/04/2022
Các nhà khoa học Israel đã sáng chế ra thiết bị cảm ứng thông minh có thể dán trên cơ thể của những tình nguyện viên thử vaccine ngừa COVID-19 để giúp theo dõi tiến trình thử nghiệm vaccine.
-
Ngân hàng
Ngân hàng Israel tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018
08:05' - 12/04/2022
Ngày 11/4, Ngân hàng trung ương Israel (BoI) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm rưỡi để chống lạm phát một phần do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thị trường lao động thắt chặt.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Tín hiệu mới cho khả năng tự cường năng lượng của quốc gia lớn nhất ASEAN
06:30'
Một trong những chương trình hành động hàng đầu của Tổng thống Indonesia là đạt được khả năng tự cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với những khó khăn về tiềm lực tài chính.
-
Phân tích - Dự báo
Tác động của khủng hoảng kinh tế Đức đối với tam giác công nghiệp châu Âu
05:30'
Nước Đức thời kỳ hậu Thủ tướng Angela Merkel đang gặp nhiều khó khăn và sẽ sớm phải tổ chức cuộc bầu cử mới. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hai quốc gia láng giềng Pháp và Italy.
-
Phân tích - Dự báo
Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro
06:30' - 29/11/2024
Do cách tiếp cận chính trị và kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump rất phi truyền thống, thị trường đang cố hấp thụ những khả năng có thể xảy ra từ quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
-
Phân tích - Dự báo
"Trận cuồng phong" đang đến với ngành ô tô Đức
05:30' - 29/11/2024
Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ, từ tâm lý lạc quan với lợi nhuận cao sang tới sự bi quan về triển vọng ảm đạm phía trước.
-
Phân tích - Dự báo
Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
06:30' - 28/11/2024
Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ là cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump, nhờ việc bổ sung chiều sâu cho các đề xuất kinh tế và bảo vệ chính sách thương mại bảo hộ hơn của Tổng thống đắc cử.
-
Phân tích - Dự báo
Ngành hóa dầu Hàn Quốc bên bờ khủng hoảng
05:30' - 28/11/2024
Cạnh tranh từ Trung Quốc và Trung Đông đang khiến ngành hóa dầu Hàn Quốc lâm vào "thế khó", thể hiện qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hóa dầu lớn và giá cổ phiếu sụt giảm.
-
Phân tích - Dự báo
Những thách thức kinh tế đối với châu Âu
06:30' - 27/11/2024
Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.
-
Phân tích - Dự báo
Kỷ nguyên vàng của bitcoin đã bắt đầu?
05:30' - 27/11/2024
Giá bitcoin, vốn bắt đầu năm 2024 ở mức 38.000 USD, hiện đang tiệm cận ngưỡng 100.000 USD. Đồng bitcoin đã tăng vọt trong những tuần gần đây phần lớn nhờ "hiệu ứng Donald Trump".
-
Phân tích - Dự báo
Các nhà máy ô tô Mexico lo ngại chính sách thuế mới của Mỹ
06:30' - 26/11/2024
Theo tờ The New York Times bằng tiếng Tây Ban Nha, chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của ông Donald Trump có thể giáng đòn mạnh vào các nhà máy sản xuất ô tô tại Mexico.