Kinh tế Trung Quốc sau sự đổi hướng chính sách tiền tệ

05:30' - 13/12/2024
BNEWS Cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9/12 đã đề xuất đưa chính sách tiền tệ quay trở lại thời kỳ "nới lỏng hợp lý", hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng
Theo thông tin từ trang mạng hkcna.hk, Trung Quốc đã quyết định đưa chính sách tiền tệ quay trở lại thời kỳ "nới lỏng hợp lý". Với sự chuyển hướng chính sách tiền tệ như vậy, triển vọng kinh tế Trung Quốc thời gian tới sẽ như thế nào? Liệu mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% có đạt được hay không?

Cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 9/12 thu hút sự chú ý của các thị trường. Tại cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách đã đề xuất thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý”. Đây là lần điều chỉnh chính sách tiền tệ đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2011, có nghĩa là chính sách tiền tệ “ổn định” kéo dài 14 năm sẽ được chuyển trở lại định hướng “nới lỏng hợp lý” của giai đoạn 2008-2010.

Từ thực tiễn chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong 30 năm qua, có thể thấy rõ mục đích duy trì chính sách tiền tệ tập trung vào “ổn định” và điều chỉnh giữa “thắt chặt” và “nới lỏng” là nhằm đạt được ổn định nền kinh tế và điều chỉnh nghịch chu kỳ. Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ vĩ mô ở trạng thái “thắt chặt hợp lý” trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1996, “ổn định” từ năm 1997 đến năm 2006, “thắt chặt” từ năm 2007 đến năm 2008 và “nới lỏng hợp lý” từ năm 2009 đến năm 2010. Từ năm 2011 đến nay, nước này liên tục duy trì chính sách tiền tệ “ổn định”.

 

Nhìn lại phạm vi chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” từ năm 2009 đến năm 2010, có thể thấy nguồn cung tiền của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Nhằm đối phó với môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động và vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gia tăng, Trung Quốc đã quyết định thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý. Từ năm 2011, với mục tiêu ngăn chặn lạm phát, bong bóng giá tài sản, biến động “tiền nóng” và rủi ro tài chính, chính sách tiền tệ đã trở lại giai đoạn “ổn định”.

Ông Trương Minh (Zhang Ming), Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán sẽ có thêm hai đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào năm 2025 để giảm tác động của việc biên lãi suất bị thu hẹp đối với lợi nhuận của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động chung.

Ông Đổng Hi Diểu (Dong Ximiao), nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu tài chính thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm tới và tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giảm 0,5 điểm phần trăm, lãi suất chính sách sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, định hướng lãi suất cho vay cơ bản (LPR) giảm 0,25 điểm phần trăm. Điều này đảm bảo tính thanh khoản dồi dào hơn về tổng khối lượng, giảm vừa phải chi phí về mặt giá cả và phản ánh tính hiệu quả.

Ông Minh Minh (Ming Ming), nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán CITIC Securities nhận định rằng trong khi Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cắt giảm lãi suất vào năm 2025, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể tăng cường mua trái phiếu chính phủ và thực hiện động thái mua lại đảo ngược cũng như các chính sách nới lỏng khác.

Điều đáng chú ý là các chỉ số tài chính và kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã được cải thiện sau khi gói chính sách mới dần có hiệu lực kể từ tháng 9/2024. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới công bố số liệu cho thấy trong tháng 11/2024, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đạt 50,3, phục hồi trong 3 tháng liên tiếp và đạt mức cao mới kể từ tháng 5/2024.

Ông Quan Thanh Hữu (Guan Qingyou), Viện trưởng Viện nghiên cứu tài chính Rushi, cho biết chính sách tiền tệ đã chuyển sang “nới lỏng hợp lý” và định hướng rất rõ ràng. Lần đầu tiên các nhà chức trách đã sử dụng từ “bất thường”, trong cụm từ “tăng cường điều chỉnh nghịch chu kỳ bất thường”, thể hiện quyết tâm cao độ. Bên cạnh đó, khẩu hiệu "ổn định thị trường chứng khoán và bất động sản" cũng lần đầu tiên được sử dụng để nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tài sản vốn và thể hiện mục đích rõ ràng. Những điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế vĩ mô là cần thiết để tranh thủ thời gian và tạo điều kiện cho những cải cách cơ cấu mang tính dài hạn.

Ông Trần Ba (Chen Bo), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng sau khi Trung Quốc công bố thông tin, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng vọt, cho thấy cộng đồng quốc tế ghi nhận và hoan nghênh những điều chỉnh thiết thực của Trung Quốc trong chính sách tài khóa và tiền tệ. Hiện tại, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh theo hướng "chủ động hơn", cho thấy gói kích thích kinh tế 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.376,61 tỷ USD) có thể được thực hiện sớm hơn, với tần suất nhanh hơn.

Về mục tiêu kinh tế năm nay, cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết đã điều chỉnh việc “nỗ lực hoàn thành” các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm hồi tháng Chín thành “hoàn thành thuận lợi” mục tiêu, cho thấy sự tin tưởng vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 khoảng 5% ngày càng tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục