Kinh tế Trung Quốc với vấn đề thiếu hụt động lực đầu tư

05:30' - 20/05/2017
BNEWS Thiếu hụt động lực đầu tư là một trong những nguyên nhân chính gây gia tăng sức ép lên tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc với vấn đề thiếu hụt động lực đầu tư. Ảnh: THX/TTXVN

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do Trung Quốc áp dụng các biện pháp quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề năng lực sản xuất thừa, cũng như điều chỉnh hợp lý hóa kết cấu đầu tư. Đây là nhận xét chung của truyền thông Hong Kong gần đây khi nói về đầu tư - động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định.

Tờ “Đại Công báo” của Hong Hong Kong thừa nhận, hiện nay, sức ép tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt động lực đầu tư. Năm 2016, đầu tư tài sản cố định cả nước về danh nghĩa tăng 8,1%, thấp hơn 1,9% so với năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là tăng trưởng đầu tư tư nhân giảm mạnh, và tốc độ tăng trưởng đầu tư trong ngành chế tạo tiếp tục trượt dốc.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc dự báo, sự thiếu hụt nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến 0,5% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2017.

Bài báo dẫn lời Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trương Trác Nguyên cho rằng, thời gian gần đây, việc Trung Quốc tiến hành cải cách, nâng cấp kết cấu kinh tế, thực hiện những biện pháp quyết liệt trong giải quyết vấn đề năng lực sản xuất thừa đã khiến nhu cầu đầu tư tổng thể trong nền kinh tế sụt giảm.

Tuy nhiên, nhìn từ tình hình hiện nay, bắt đầu từ năm 2017, tình trạng thiếu hụt động lực đầu tư có dấu hiệu được cải thiện.

Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc hồi đầu tháng Ba nêu rõ chính phủ sẽ tích cực mở rộng đầu tư hiệu quả, nhất là tiếp tục đẩy mạnh cường độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng từ 19,9% của năm 2016 sẽ tăng lên khoảng 21% trong năm nay. Ngoài ra, các lĩnh vực kinh tế mới được hỗ trợ phát triển nhanh cũng sẽ thúc đẩy đầu tư nhiều hơn, nhất là trong ngành công nghệ cao, cải tiến kỹ thuật công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.

Theo báo cáo, các địa phương Trung Quốc cũng đã lần lượt công bố mục tiêu đầu tư tài sản cố định trong năm nay, cá biệt có những địa phương đưa ra mục tiêu tăng trưởng đầu tư lên đến 50%. Dự tính, tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc năm 2017 có thể đạt mức 8%.

Trong khi đó, tờ “Thương báo” của Hong Kong cho rằng tình trạng thiếu hụt nhu cầu đầu tư của Trung Quốc đang dần được cải thiện. Bắt đầu từ tháng 9/2016, tốc độ tăng trưởng đầu tư đã ngừng đi xuống và bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Trong đó, đầu tư tư nhân trong tháng 9/2016 đã tăng trưởng trở lại, tốc độ tăng trưởng từ tháng 1 - 8/2016 nhích nhẹ 2,1% và tăng lên đến 5,4% trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12/2016. Đầu tư ngành chế tạo cũng kết thúc đà tụt dốc trong 15 tháng liền với tháng 9/2016 bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Nói một cách tổng thể, hiện nay động lực của tăng trưởng đầu tư đã có phần được tăng cường, kết cấu đầu tư hợp lý hóa. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì tăng trưởng đầu tư hợp lý và hiệu quả vẫn đang là bài toán nan giải của nền kinh tế Trung Quốc.

Bài báo nhận định trong những năm tới, cùng với chuyển đổi, nâng cấp kết cấu kinh tế, Trung Quốc sẽ vẫn khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ cao, hiệu quả và ít ảnh hưởng đến môi trường..., đảm bảo tỷ lệ đóng góp ổn định của đầu tư trong tăng trưởng kinh tế.

>>> Trung Quốc lên kế hoạch mở cửa thị trường vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục