Kinh tế tư nhân: Kỳ vọng hiện thực hóa tầm nhìn từ bổ trợ đến dẫn dắt

19:08' - 08/05/2025
BNEWS Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp về kỳ vọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa kinh tế tư nhân từ vị thế “bổ trợ” sang vai trò “dẫn dắt” nền kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp về bước ngoặt rất lớn này cũng như kỳ vọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa kinh tế tư nhân từ vị thế “bổ trợ” sang vai trò “dẫn dắt” nền kinh tế quốc gia.

Ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME): Chuyển dịch vai trò của kinh tế tư nhân từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt”

Nghị quyết 68‑NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực này đóng góp 55–58 %GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân 10–12 %/năm, giải quyết 84–85 % việc làm xã hội, đồng thời hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu – một bước nhấn mạnh chưa từng có trong các văn kiện trước đây. Việc nâng chuẩn mốc GDP và số “đại bàng nội” cho thấy Đảng yêu cầu chuyển dịch vai trò của kinh tế tư nhân từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt”, qua đó tạo kỳ vọng mạnh mẽ về môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và có tính dự báo cao hơn đối với nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

 

Nghị quyết mở đường cho một loạt cải cách thể chế mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi từ lâu như bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh bằng luật định rõ ràng, giảm tình trạng “luật khung, nghị định chờ”; thiết kế chính sách cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong đấu thầu, tiếp cận đất đai, tín dụng;  khơi thông các nguồn lực xã hội hoá – đặc biệt trong hạ tầng số, năng lượng và logistics – nơi khu vực tư nhân thường bị giới hạn bởi thủ tục phê duyệt kéo dài.

Khi những điểm nghẽn thể chế được cởi bỏ, dòng vốn và tri thức quốc tế sẽ chảy mạnh hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thúc đẩy năng suất và đổi mới sáng tạo, giúp kinh tế tư nhân thực sự trở thành “một chân” trong tam giác tăng trưởng cùng khu vực FDI và khu vực công.

Với việc đặt mục tiêu 20  doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải tái cấu trúc sâu chuỗi cung ứng nội địa hình thành các trung tâm công nghiệp hỗ trợ, khu R&D chung, mạng lưới logistics số hóa kết nối xuyên biên giới. Từ tầm nhìn đó, hàng nghìn SME vệ tinh sẽ được hưởng lợi thông qua tiêu chuẩn hóa, chuyển giao công nghệ và huấn luyện quản trị, kéo hiệu suất lao động toàn khu vực tăng 8,5–9,5 %/năm như Nghị quyết kỳ vọng. Đồng thời, quá trình “bơi ra biển lớn” ép các doanh nghiệp nội tuân thủ chuẩn mực ESG (tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng), sở hữu trí tuệ và quản trị rủi ro quốc tế, giúp nâng hạng tín nhiệm quốc gia và giảm chi phí vốn dài hạn.

Để đạt các mục tiêu trên, tôi cho rằng cần có thể chế và điều tiết, sớm luật hóa “Ngân hàng dữ liệu doanh nghiệp” để mọi thủ tục đăng ký, thuế, hải quan được số hóa 100 %, giảm chi phí tuân thủ xuống còn <0,5 % doanh thu, tiến tới mức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Đồng thời ban hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tách bạch chức năng kinh doanh‑quản lý của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm sân chơi bình đẳng.

Bên cạnh đó, mở rộng Quỹ bảo lãnh tín dụng SME lên tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng; triển khai “hạn mức tín dụng xanh” với lãi suất ưu đãi –2 điểm % dành cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng; phát triển thị trường vốn mạo hiểm nội địa bằng cơ chế “đồng đầu tư” (co‑investment) nhà nước – tư nhân.

Đồng thời, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khấu trừ 200 % chi phí R&D, chuyển giao công nghệ, chi phí đào tạo nhân lực số; mở rộng mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, liên thông với mạng lưới Sáng kiến Đổi mới Toàn cầu (GIA) để thu hút chuyên gia Việt kiều.

Ngoài ra, thiết lập Chương trình “Vietnam Global Champions” lựa chọn 50 doanh nghiệp tiềm năng, hỗ trợ tư vấn M&A, bảo hiểm chính trị, và ưu tiên trong đàm phán thương mại; nâng tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 60 % đối với ngành điện tử, ô tô, dệt may thông qua các gói ưu đãi thuế linh kiện.

Đặc biệt, đưa kỹ năng quản trị số, ESG, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào khung đào tạo quốc gia; miễn 100 % thuế thu nhập cá nhân ba năm đầu đối với chuyên gia nước ngoài làm việc tại các trung tâm R&D chiến lược.

Tôi cho rằng, nếu đồng bộ hóa các chính sách trên, Việt Nam sẽ hình thành lực đẩy “ba tầng”: doanh nghiệp lớn dẫn dắt – SME vệ tinh – startup đổi mới sáng tạo, tăng cường mật độ liên kết ngang dọc và nâng sức chống chịu trước cú sốc toàn cầu. Khi đó, mục tiêu 55–58 % GDP và 20  doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030 hoàn toàn khả thi, đồng thời đặt nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột thứ nhất của nền kinh tế vào giai đoạn tầm nhìn 2045.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam - Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures: Tuyên ngôn cải cách mới cho kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TWvề phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu một bước ngoặt mang tính cải cách sâu sắc, tiếp nối và nâng tầm tư tưởng Đổi Mới bắt đầu từ năm 1986. Nghị quyết này không chỉ đặt ra những mục tiêu định lượng táo bạo, mà quan trọng hơn, thể hiện một chuyển hóa mang tính lịch sử trong tư duy quản trị và xây dựng thể chế kinh tế tại Việt Nam. Không còn là “một trong những động lực” như các văn kiện trước đây, Nghị quyết 68 xác lập kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân". Đây là một sự chuyển dịch rõ ràng về mặt tư tưởng và chính trị. Việc đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không chỉ là sự công nhận mà còn là một cam kết chính trị về thúc đẩy phát triển toàn diện.

Nghị quyết 68 thẳng thắn chỉ ra những rào cản đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân, bao gồm định kiến, cơ chế “xin – cho”, chi phí tuân thủ cao, và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ... đồng thời khẳng định vai trò “kiến tạo và phục vụ” của Nhà nước, thay cho mô hình quản lý hành chính nặng nề trước đây. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong năm 2025; hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm để khuyến khích sáng tạo và giảm can thiệp hành chính; thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm”, thay cho tư duy “không quản được thì cấm”... Đây là bước cải cách thể chế quan trọng, giúp thiết lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thực sự bình đẳng.

Nghị quyết 68 đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện bao gồm thúc đẩy tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI; bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý các hành vi “lạm dụng thanh tra, kiểm tra” gây cản trở hoạt động doanh nghiệp; cải cách pháp luật dân sự, hình sự theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trước hình sự, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế một cách không cần thiết...

Không chỉ đơn thuần là một chính sách kinh tế, Nghị quyết 68 còn là một bản tuyên ngôn cải cách mới của Việt Nam trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Để hiện thực hóa tinh thần này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới tư duy, minh bạch hóa quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu được thực thi đúng tinh thần, Nghị quyết 68 sẽ trở thành một cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững và tự chủ của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu: Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bằng nội lực 

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đưa ra của Nghị quyết 68. Trong thực tiễn, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò rất lớn trong việc tạo việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Riêng trong ngành du lịch – dịch vụ mà chúng tôi đang hoạt động, khu vực tư nhân là lực lượng chủ lực trong đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Sau đại dịch, chúng tôi chứng kiến rõ hơn bao giờ hết năng lực thích ứng nhanh nhạy và sức phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó chứng tỏ rằng nếu được tạo điều kiện đúng mức, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng có ba nhóm rào cản lớn nhất. Thứ nhất là thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu nhất quán giữa các địa phương. Thứ hai là khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế. Và cuối cùng là vấn đề về chính sách chưa đồng bộ, nhiều khi thiếu tính ổn định, khiến doanh nghiệp khó lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Nghị quyết 68 đã chỉ rõ những bất cập này và đặt ra hướng cải cách, nhưng quá trình thực thi cần được đẩy nhanh và thực chất hơn nữa.

Cùng với đó, chính sách thuế hiện nay cần chuyển hướng mạnh hơn từ quản lý sang hỗ trợ phát triển. Cụ thể, nên có chính sách ưu đãi thuế ổn định và dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như du lịch xanh, công nghệ cao, kinh tế số.

Bên cạnh đó, việc cải tiến quy trình hoàn thuế, giảm thanh – kiểm tra chồng chéo, và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận chính sách thuế là rất cần thiết. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, tạo một hệ sinh thái kinh doanh công bằng, minh bạch để kinh tế tư nhân phát triển bằng nội lực thay vì chỉ dựa vào ưu đãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục