Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

18:39' - 22/10/2022
BNEWS GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, Quý III tăng 13,67%.

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành họp tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

 

Chiều 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); sau đó Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong năm vừa qua, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, Quý III tăng 13,67%.

Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%; nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định.

Trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đã điều hành tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng các chỉ số, chỉ tiêu, phân tích kỹ các kết quả đạt được.

Về công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện kết quả tương đối khả quan, có chuyển biến nhất định trong tham mưu, điều hành; tuy nhiên, các văn bản cụ thể hóa, chi tiết hoá các luật, nhiều văn bản có bất cập trước đây chậm được bổ sung, ban hành.

Quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân còn chậm so với yêu cầu, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tại một số bộ, ngành, địa phương.

Đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, số lượng văn bản hướng dẫn có thể lên tới gần 200 văn bản trong thời gian tới, gây khó khăn cho cấp cơ sở trong việc nghiên cứu, thực thi, do vậy, cần có sự xâu chuỗi, tổng hợp để đảm bảo các Chương trình được thực thi hiệu quả.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.

* Tăng cường dân chủ ở cơ sở

Chiều 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); sau đó Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích sửa đổi Luật Hợp tác xã là để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường.

Các quy định Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển Hợp tác xã ở nước ta từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật trình Quốc hội bám sát 5 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững; cho rằng hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Cũng trong phiên chiều, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục