Kinh tế vĩ mô tích cực nhưng giao dịch chứng khoán trầm lắng

18:04' - 27/07/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến "ảm đạm" trong bối cảnh các thông tin về kinh tế vĩ mô rất tích cực.

Sau tuần giao dịch sôi động vào đầu tháng 7, thị trường Việt Nam trải qua 3 tuần giảm liên tiếp và chạm đáy thấp nhất tại vùng 1.218 điểm trong tuần qua. Dù sau đó chỉ số có sự hồi phục, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh. 

*Tình trạng “đìu hiu chợ chiều”

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, điểm nhấn đáng chú ý trong tuần qua là thanh khoản trở lại tình trạng “đìu hiu chợ chiều” trong 2 phiên giao dịch cuối tuần khi sự thận trọng bao trùm tâm lý thị trường.

Thanh khoản tuần qua sụt giảm 19,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 623 triệu cổ phiếu, giảm tới 17,46%, tương đương 16.096 tỷ đồng (giảm 17,42% về giá trị giao dịch).

Lực cầu có tín hiệu gia tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng chưa đủ mạnh để chiến thắng áp lực cung khá mạnh trong 2 phiên đầu tuần. Vì vậy số ngành giảm điểm vẫn chiếm áp đảo trong tuần qua với 17/21 nhóm ngành giảm điểm.

Áp lực chốt lời dâng cao ở nhóm công nghệ viễn thông, giảm 11,61% sau quá trình tăng nóng trước đó. Nhóm “nhạy cảm” với thị trường chung là chứng khoán giảm 6,02%. Tiếp đến là hóa chất giảm 5,84; dệt may giảm 5,76%…

Trong khi đó, nhóm tăng điểm là cổ phiếu nhựa tăng 2,66%, dược phẩm tăng 0,97%, hàng không tăng 0,72% đều là những nhóm có vốn hóa trung bình và nhỏ.

Khối ngoại có tuần mua ròng trở lại sau liên tiếp 20 tuần bán ròng trên sàn HOSE. Tính đến hết tuần, khối ngoại mua ròng 457 tỷ đồng trên sàn này. Tâm điểm mua ròng tuần qua là 1 số cổ phiếu tiêu biểu như: KDC (470 tỷ đồng), SBT (439 tỷ đồng), VNM (232 tỷ đồng).

Chốt tuần giao dịch từ 22 - 26/7, VN-Index giảm 22,67 điểm xuống 1.242,11 điểm; HNX-Index kết thúc tuần tại mốc 236,66 điểm, giảm 3,86 điểm so với cuối tuần trước đó.

VN-Index đã lấy lại sắc xanh và đóng cửa cao nhất trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức rất thấp mà chưa có sự bùng nổ để hỗ trợ đà tăng, khối lượng khớp lệnh trên HOSE sụt giảm tới 32,8% so với mức trung bình 20 phiên.

“Mặc dù đà giảm có tín hiệu chững lại, nhưng sự đảo chiều tăng điểm vẫn chưa được xác nhận khi mà các phiên hồi phục tăng điểm có khối lượng sụt giảm và ở mức rất thấp”,  CSI nhận định.

Tuy nhiên theo CSI, điểm tích cực là VN-Index đã kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 1.219 điểm và tăng khá tốt về điểm số. Khả năng VN-Index đang trong tín hiệu hồi phục với kỳ vọng hướng tới ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.255 điểm (là ngưỡng hỗ trợ đã bị phá vỡ trong tuần qua) trước khi tích lũy để hình thành xu hướng mới hơn, CSI nhận định.

Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến ảm đạm trong bối cảnh các thông tin về kinh tế vĩ mô rất tích cực. Đáng chú ý trong tuần qua, báo cáo của một số tổ chức như Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Citibank đều có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam, căn cứ vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của GDP quý II và các lĩnh vực xuất khẩu, FDI. HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 lên 6,5% (trước đây là 6%) và giảm dự báo lạm phát xuống 3,6%.

Bên cạnh đó là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang hướng đến con số lạc quan khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD trong năm nay, tương đương hoặc cao hơn so với kết quả năm 2023.

Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhìn nhận, VN-Index đang có xu hướng kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm, là vùng giá cao nhất năm 2023, cũng như đường xu hướng ngắn trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023, tháng 4/2024 và tháng 7/2024 kéo dài hiện nay. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn kém tích cực.

Trong trường hợp tích cực, VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự quanh 1.255 điểm, giá cao nhất năm 2023 để cải thiện xu hướng ngắn và trung hạn.

Điểm tích cực là thị trường phân hóa mạnh, nhiều mã khá tích cực tăng giá tốt hơn, hướng đến kỳ vọng vượt vùng đỉnh cũ khi có kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng tốt như một số mã trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, phân phối khí, nhựa, vận tải dầu khí, xăng dầu... một số mã công nghệ có xu hướng phục hồi lại đỉnh cũ.

Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, trải qua nhịp giảm mạnh gần 80 điểm (1.295 điểm  về 1.218 điểm), "nhịp nảy" lại hiện tại vẫn đang mang nhiều tính chất của đợt hồi phục ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý ngưỡng kháng cự 1.245 - 1.250 điểm, đây là thử thách quan trọng của VN-Index trong tuần sau. “Trong khi đó chúng tôi đánh giá vùng 1.230 điểm sẽ là hỗ trợ quan trọng”, ông Phương nêu quan điểm.

Còn chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ông Nguyễn Huy Phương nhìn nhận, thị trường có diễn biến hồi phục và trở lại vùng 1.242 điểm sau khi được nâng đỡ tại vùng 1.230 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy nguồn cung tạm thời chưa gây áp lực lên thị trường.

Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền cũng chưa có khởi sắc mặc dù thị trường tăng điểm khá tốt. Có khả năng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái được nâng đỡ và thăm dò nguồn cung, nhưng dự kiến vùng cản 1.245 - 1.250 điểm sẽ gây áp lực cung cho thị trường trong thời gian tới.

Thực tế diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua là khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới.

*Chứng khoán Mỹ thoát khỏi làn sóng bán tháo

Các chỉ số chính của Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 26/7, khi các nhà đầu tư quay trở lại với các cổ phiếu công nghệ lớn, vốn đã bị bán tháo mạnh trước đó trong tuần. Số liệu lạm phát cũng thúc đẩy tâm lý lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 1,11% lên 5.459,10 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 1,03%, lên 17.357,88 điểm; chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hay 1,64% lên 40.589,34 điểm.

Cổ phiếu của 5 thành viên trong nhóm 7 công ty quyền lực, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, đã tăng giá trong phiên này, dẫn đầu là Meta Platforms với mức tăng 2,7%. Hai ngoại lệ là Tesla và Alphabet đều giảm 0,2%; trong đó, cổ phiếu của Alphabet đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/5. Trước đó, kết quả lợi nhuận yếu của hai “ông lớn” Tesla và Alphabet  đã gây ra đợt bán tháo mạnh mẽ trong phiên 24/7.

Những cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn nhạy cảm với nền kinh tế, cũng được hỗ trợ trong phiên này bởi số liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng Sáu của Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) giảm xuống mức 2,5% trong tháng 6/2024, so với mức 2,6% trong tháng 5/2024. Số liệu này cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, từ đó có thể mở đường cho Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Chín tới.

Sau khi số liệu nói trên được công bố, theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Chín theo dự đoán của thị trường vẫn ổn định ở mức khoảng 88%. Dữ liệu từ LSEG cho thấy các nhà giao dịch phần lớn vẫn dự đoán sẽ có hai lần hạ lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, mức tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên này không thể bù đắp hoàn toàn đà giảm của các chỉ số S&P 500 và Nasdaq trong các phiên trước đó, với hai chỉ số này đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, với các mức giảm lần lượt 0,82% và 2,08% trong tuần qua. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones kết thúc tuần trong sắc xanh, với mức tăng 0,75%.

Nhà phân tích thị trường cao cấp David Morrison tại công ty cung cấp dịch vụ tài chính Trade Nation cho biết, các nhà đầu tư đang ngày càng trở nên lo lắng về báo cáo lợi nhuận của các công ty vào tuần tới.

Apple, Microsoft, Amazon.com và Meta sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 trong tuần tới. Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” công nghệ sẽ là yếu tố quyết định liệu đà tăng kỷ lục của năm 2024 có thể được duy trì hay không, hay liệu cổ phiếu Mỹ có đang được định giá quá cao hay không.

Ngoài ra, câu hỏi khác cũng đang được giới đầu tư quan tâm là liệu sự dịch chuyển khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn sang các ngành kém hiệu quả hơn có tiếp tục diễn ra hay không. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp trong hai tháng qua. Đây cũng là chuỗi tăng ba tuần tốt nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2022 trong sắc xanh, với mức tăng 0,75%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục