Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

20:34' - 20/03/2019
BNEWS Năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt nhất trong 7 vùng của cả nước khi có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 của chỉ số PCI được công bố hàng năm.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng, với hơn 9.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm 2018, được đánh giá là vùng có kết quả điều hành của chính quyền tốt nhất trong 7 vùng của cả nước.

Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 đơn vị hành chính, là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Thông tin trên được ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết tại hội nghị gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long do VCCI Cần Thơ tổ chức chiều 20/3 tại thành phố Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, năm vừa qua, kinh tế vùng tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng bình quân đạt 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 716.000 tỷ đồng, tăng 12% và cũng là giá trị đạt cao nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu của vùng lần đầu tiên đạt mức 17,5 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm trước đó; trong đó, có 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp) tăng 2 tỉnh so với năm 2017 và nhiều tỉnh khác đang tiệm cận mức tỷ USD.

Năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt nhất trong 7 vùng của cả nước khi có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 của chỉ số PCI được công bố hàng năm.

Đây cũng là vùng có số doanh nghiệp mới thành lập ấn tượng trong năm với hơn 9.500 doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đã gia tăng với số lượng lớn mà từ trước đến nay chưa có được.

Để tiếp tục đạt được những thành quả về kinh tế - xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo, theo ông Nguyễn Phương Lam, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn bởi năm 2019 là năm khá đặc biệt đối với kinh tế Việt Nam khi mà các hiệp định thương mại mới có hiệu lực (CPTPP, Hiệp định thương mại tự do VN – EU), tranh chấp thương mại toàn cầu, áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng nhiều hơn, công nghệ thay đổi nhanh chóng… đang tạo áp lực lớn cho quá trình cải cách của Nhà nước và đổi mới trong quản lý của doanh nghiệp.

“Với thực tế trên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang cần nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư về hạ tầng, doanh nghiệp cần một chính quyền năng động hơn để kiến tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, hiệp hội cần doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa để cùng góp phần tạo sự liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp… Từ đó, giúp sản sinh ra nhiều doanh nghiệp lớn, nối kết, mang tính hấp dẫn, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đánh giá cao những thành tựu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm qua, đóng góp 20% GDP và có vai trò rất lớn và đóng góp rất quan trọng cho cả nước.

Theo ông Thành, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, có sự ủng hộ tích cực của chính quyền các địa phương trong việc tích cực cải thiện môi trường kinh doanh. Việc có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 chỉ số PCI của cả nước (như: Đồng Tháp đứng thứ 3, Long An thứ 4…) đã minh chứng rõ nhất sự điều hành của các tỉnh, thành phố ở khu vực này.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VCCI Cần Thơ với các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bạc Liêu, Hậu Giang và Vĩnh Long về cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương năm 2019. VCCI Cần Thơ cũng trao chứng nhận kết nạp hội viên mới cho 31 doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục