Kon Tum: Ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên

12:36' - 10/10/2017
BNEWS UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản 2705/UBND-NNTN về việc tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Theo đó, tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng các cấp, các sở, ban ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng và các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuần tra, truy quét, kiên quyết ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng tự nhiên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum thống kê, báo cáo thực trạng diện tích rừng tự nhiên bị phá trong thời gian từ năm 2016 đến nay; đồng thời làm rõ và đề xuất xử lý trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền, các ngành chức năng và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/ 2017.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, báo cáo, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, yêu cầu các địa phương tạm dừng việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo rừng để trồng rừng (nếu có); đồng thời, ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng nhằm đảo bảo duy trì và phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phân công lực lượng bám sát địa bàn, duy trì thường xuyên việc kiểm tra, truy quét các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái phép;

xác định đường dây, “đầu nậu” để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng./.

Xem thêm:

>>>Bình Định phát hiện thêm vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn để trồng keo lai

>>>Đắk Nông: Kỷ luật cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng nguyên sinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục