Kỳ họp lần thứ 7 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam - Pháp

19:17' - 20/01/2022
BNEWS Các cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực như giao thông, chuyển đổi năng lược hàng không, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm...

Chiều 20/1, tại Hà Nội, Kỳ họp lần thứ 7 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam - Pháp đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề song phương và quốc tế doanh nghiệp Pháp, Tổng cục Kho bạc Magali Cesana và Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hoàng Mai. Tham dự kỳ họp có đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.

 

Phát biểu khai mạc tại kỳ họp, Vụ trưởng Phạm Hoàng Mai cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã viện trợ cho Việt Nam vaccine và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Đây là những cử chỉ cao đẹp, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước và sự gắn bó sâu sắc giữa hai quốc gia.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề song phương và quốc tế doanh nghiệp Pháp, Tổng cục Kho bạc Magali Cesana đánh giá cao, việc tổ chức Kỳ họp thứ 7 Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt Nam - Pháp. Dù dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực nhưng quan hệ hợp tác với Việt Nam vẫn nằm trong chương trình ưu tiên của Pháp.

Cụ thể, chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện tầm quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia và cũng là cam kết của Pháp trong mong muốn tăng cường hợp tác về đầu tư, kinh tế và thương mại tại Việt Nam.

Tại buổi đối thoại, hai bên cùng chia sẻ những kết quả đã đạt được trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước khi Pháp có hơn 3,6 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2021, đứng thứ 3 trên tổng số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Những cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực như giao thông, chuyển đổi năng lược hàng không, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, phát triển bền vững,… cũng như trong việc thâm nhập thị trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước.

Hai bên đã trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương như các chương trình và dự án ODA của Pháp, đặc biệt là Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 thành phố Hà Nội. Đây là dự án biểu tượng cho hợp tác Pháp - Việt Nam và được các cơ quan chức năng hai nước kỳ vọng đưa vào vận hành cuối năm 2022.

Ngoài ra, các vấn đề như chuyển đổi số trong doanh nghiệp; cơ hội và tiềm năng hợp tác với Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải; các dự án về thành lập chợ đầu mối quốc tế nông sản, dự án sân bay quốc tế Long Thành… cũng được hai bên quan tâm và trao đổi cụ thể.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Vụ trưởng Phạm Hoàng Mai cho biết, tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trong năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%. Đây là nỗ lực của Chính phủ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc phục hồi lại nền kinh tế của đất nước.

Trong năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt trên 31 tỷ USD, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine tại Việt Nam đối với người trên 18 tuổi đạt trên 92%.

Tuy tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 không cao nhưng Việt Nam đã xây dựng và phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt ngưỡng thu nhập trung bình thấp.

Ngoài ra, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện những cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu..../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục