Kỳ họp Quốc hội khóa XIV: Đồng tình kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp

19:50' - 21/10/2016
BNEWS Dự thảo miễn, giảm thuế sử dụng nông nghiệp được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tại phiên thảo luận tại tổ về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là chính sách nhỏ nhưng có tác động lớn, càng triển khai sớm, càng tốt.

Đồng tình với việc sửa đổi Nghị quyết lần này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Tăng trưởng 9 tháng chậm, ngành nông nghiệp bị tổn thương nhiều do hội nhập và biến đổi khí hậu, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo còn lớn.

Thêm vào đó, trên 65% dân số vẫn đang sống ở nông thôn nên việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là rất ý nghĩa.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng như nhiều đại biểu khác ủng hộ, đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa 4 nhóm đối tượng hộ gia đình được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đồng thuận với chủ trương trên, đại biểu dẫn phân tích của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về việc số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước. “M iễn giảm thuế là hợp lý” – đại biểu Ngân nói.

Theo đại biểu, hiện Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp chính là đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư, thu hút việc đầu tư sản xuất kinh doanh, các hoạt động nghiên cứu khoa học nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng thời gian qua, việc lợi dụng chính sách, sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác đã ảnh hưởng đến hoạt động thu thuế, do đó, song song với giảm thuế cần tăng cường rà soát việc sử dụng đất, đảm bảo sử dụng đúng mục đích được giao.

Phân vân về thời gian miễn thuế, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ, việc miễn giảm thuế cho các đối tượng được sử dụng đến hết 31/12/2020.

Như vậy là thời gian ngắn, chỉ khoảng 4 năm, độ thẩm thấu của Nghị quyết đến đời sống người nông dân chưa được nhiều, đề nghị Nghị quyết miễn giảm thuế nên kéo dài đến khi có Nghị quyết mới, đảm bảo tính ổn định trong triển khai tinh thần của Nghị quyết 55 đến người sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, Việt Nam là nước nông nghiệp, đối tượng áp dụng thuế này là người làm ra lúa gạo. Người trực tiếp làm ra sản phẩm từ nông nghiệp thì được miễn thuế như Nghị quyết đã nêu.

Còn những người thuê đất nông nghiệp mà không sử dụng vào mục đích sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp thì phải thu lại.

Từ vùng sản xuất nông nghiệp trù phú An Giang, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng ông “ủng hộ cả hai tay” khi miễn, giảm thuế cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Nhưng, ông cũng thông tin cho biết, ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) có tình trạng thương nhân nước ngoài sang thu gom đất của bà con nông dân để sản xuất. Ông bày tỏ quan ngại khi Nghị quyết này ra đời có thể sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng khác trục lợi.

Do đó, đại biểu này đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện vấn đề này để đảm bảo không còn kẽ hở chính sách.

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng dự thảo Nghị định cần thể hiện toàn diện hơn các vấn đề liên quan tới giao đất nông nghiệp, làm rõ và ban hành các chế tài mạnh mẽ xử lý tình trạng Nhà nước giao đất mà cá nhân, tổ chức lại để hoang hóa hay sử dụng sai mục đích, làm lãng phí nguồn lực quốc gia và ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ đồng tình với việc kéo dài việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp tới hết ngày 31/12/2020 như kiến nghị của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục