Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV: Nhiều nút thắt cần gỡ trong tái cơ cấu nông nghiệp

21:19' - 02/11/2016
BNEWS Ngành nông nghiệp hiện vẫn phụ thuộc vào quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động và đời sống nông dân vẫn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trong phiên họp ngày 2/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đến nay, tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được một số kết quả quan trọng. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam nay đã đảm bảo lương thực và dành một phần để xuất khẩu. Tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động và đời sống nông dân vẫn khó khăn.

Trước tình hình đó Đảng, Nhà nước đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện đề án này, kết quả ghi nhận đầu tiên là tạo chuyển biến nhận thức không chỉ ở Trung ương mà còn ở hầu hết các địa phương, thu hút người dân cùng vào cuộc.

Nhiều địa phương đã có những thành công nhất định. Ví dụ ở Đồng Tháp đã xác định 5 sản phẩm chủ lực; Hà Giang xác định cây dược liệu, phát triển du lịch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

Một số ngành hàng lớn hình thành như chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đã hoàn thiện cơ bản về giống, tiếp cận được công nghệ tiên tiến của thế giới. Trong số 30 triệu con lợn giống, có 4 triệu con lợn giống chiếm tổng số 15% là giống nhập; gia súc, gia cầm 1 năm đạt sản lượng 15 triệu tấn và tiềm năng là đạt 20 triệu tấn.

Thủy sản với 2 sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra đều xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới. Ngành sữa cũng có tốc độ tăng trưởng liên tục trong mấy năm qua đều đạt 2 con số. Sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới. Đáng chú ý, gần đây TH True Milk đã đầu tư trang trại và nhà máy gần 100 ha tại Nga.

Hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn Dabaco, Minh Phú… cho thấy bước đầu tái cơ cấu đã thành công.

Tuy sức sản xuất lớn, xong quy mô hàng hóa tập trung công nghệ hiện đại quản lý tốt thì mới chiếm tỷ lệ nhỏ; khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; sức cạnh tranh chưa tốt. Thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng là những hạn chế cần phải vượt qua, Bộ trưởng thừa nhận.

Cùng đó, nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất là doanh nghiệp thì chưa có nhiều, hiện mới có 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác và 29.500 trang trại. Con số này vẫn ít. 

Nguyên nhân được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra là do nhận thức chưa cao, chính sách ban hành nhiều nhưng chưa phù hợp nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, đầu tư cho nông nghiệp 5 năm qua chưa đáp ứng yêu cầu, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã nêu đầu tư cho nông nghiệp gấp 2 lần; trong khi đó, 5 năm qua mới chỉ đạt mức 1,85 lần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tái cơ cấu chậm.

Cùng đó, quản lý nhà nước và chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần xác định nhóm sản phẩm có lợi thế quốc gia để tập trung dồn giải pháp để phát triển - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nút thắt đầu tiên được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra là thu hút đầu tư kém do hạn chế về tích tụ ruộng đất. Trước lo ngại về diện tích tích tụ quá lớn, Bộ trưởng cho hay qua kiểm tra hàng chục mô hình thời gian qua thì không diễn ra điều này bởi người nông dân, doanh nghiệp đều tính đến khả năng quản trị phải phù hợp với trình độ nên không bao giờ tích tụ nhiều hơn.

Còn nếu sợ người nông dân mất ruộng khi tích tụ ruộng đất thì cũng không có việc này. Hiện các mô hình này, mỗi héc ta thuê từ 4 đến 6 công nhân, nông dân trở thành công nhân nông nghiệp và thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng tùy từng vùng.

Điều này Quốc hội cũng nên bàn bởi nếu thu hút được người dân tham gia thì chắc chắn sẽ góp phần tạo ra hàng hóa sản xuất nông nghiệp đối với quy mô nhất định. Có như vậy thì mới hội nhập được - Bộ trưởng phân tích.

Thêm một nút thắt cần tháo gỡ là chính sách. Theo đó, nên tập trung chỉnh sửa nhóm chính sách rất quan trọng hiện nay là đưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây cũng chính là chính sách mà Thủ tướng chỉ đạo. Tiếp đến là chính sách phát triển hợp tác xã bởi Luật Hợp tác xã đã có nhưng khi đi vào cuộc sống lại chưa có quyền lực.

Thêm nữa là chính sách về vùng dễ tổn thương. Phải có chính sách cho vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn để đảm bảo cho sản xuất, cho đời sống không sự chênh lệch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị Quốc hội đầu tư nguồn lực cho tái cơ cấu nông nghiệp và phải xác định đây là việc rất quan trọng. Việc vốn trung hạn như vừa qua nên có trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp và thay đổi phương thức đầu tư; đầu tư thẳng cho 63 tỉnh thành để các địa phương chủ động.

Cùng với nguồn lực từ trung ương thì nên huy động cơ chế đối tác công - tư (PPP), thì mới giải quyết được căn cốt tái cơ cấu ở các địa phương và góp phần cho tái cơ cấu chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục