Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV: Phấn đấu GDP tăng từ 6-6,5% trong năm 2022

11:10' - 20/10/2021
BNEWS Sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã khai mạc. Tại đây, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, Chính phủ đã đặt ra 16 chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gồm: 15 chỉ tiêu có thể đánh giá theo định kỳ hằng năm trong hệ thống 23 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội khóa XV thông qua và bổ sung 1 chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân.

Cụ thể, một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt từ 25,5-25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%...

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về nhiều giải pháp trong thời gian tới. Đặc biệt, là triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Về chính sách tài khoá, Chính phủ điều hành linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để chủ động phân tích, đánh giá, cập nhật tình hình thực hiện các chỉ tiêu và kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành ngân sách nhà nước phù hợp.

Ngoài ra, tập trung thực hiện các giải pháp khác như: thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội.

Cùng với thực hiện thực chất, hiệu quả hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Chính phủ phát triển kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong số đó, rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Do tác động kéo dài của dịch bệnh đã khiến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian hơn; phá sản, nợ xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá, sự phục hồi của các đối tác quan trọng của Việt Nam sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho việc khôi phục khu vực dịch vụ trong nước, gia tăng sản xuất, xuất nhập khẩu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là yếu tố tích cực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Từ đó, bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục