Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV: GDP năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu từ 1,5-2%

12:31' - 20/10/2022
BNEWS Tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt từ 1,5-2% so với mục tiêu đặt ra trước đó.

Sáng 20/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt từ 1,5-2% so với mục tiêu đặt ra trước đó. 

Theo báo cáo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc, 9 tháng năm 2022, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, trong khi đó ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%, cao hơn so với mục tiêu 6 - 6,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Về kinh tế vĩ mô, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. 

Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn. 

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; còn thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động khó đạt mục tiêu đề ra.

Ghi nhận những khó khăn, thách thức mà Chính phủ đang phải đối mặt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung quan tâm tới một số nhóm vấn đề. 

Theo đó, đáng chú ý về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai song kết quả còn khiêm tốn. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn một số điều kiện bất cập dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình. 

Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40.000 tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất. Kết quả này cần phải được báo cáo rõ nguyên nhân. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu việc mở rộng đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất 2%.

Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế. 

9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng). 

Doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu.

Thời gian tới, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...

Uỷ ban Kinh tế cũng chỉ rõ, qua giám sát, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam có một số vướng mắc như giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm. Việc khảo sát, điều tra về mỏ vật liệu của tư vấn, các ban quản lý dự án chưa sát với thực tế; thủ tục cấp phép khai thác mỏ ở một số địa phương kéo dài; một số mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do phải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các thủ tục thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí… dẫn đến thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền đường, gây khó khăn cho các nhà thầu.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tiến độ triển khai và giải ngân dự án đều chậm, vướng mắc trong việc xác định giá đất đền bù, xác định đối tượng được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất.

Một số dự án thành phần về xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước chưa được bố trí vốn, công trình hạ tầng xã hội khu tái định cư chậm hoàn thành... ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục