Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tự chủ đại học gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình

18:40' - 12/06/2018
BNEWS Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Chiều 12/6/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Làm rõ phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ

Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cho ý kiến về tự chủ đại học, các đại biểu nhấn mạnh việc đẩy mạnh tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, cần quy định trong dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính, tài sản.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích: Tự chủ cần hướng tới các mục tiêu: Tự chủ chuyên môn, bộ máy, nhân sự, tài chính và tài sản. Điều kiện thực hiện tự chủ phải được xác lập và thực hiện thông qua quản lý Nhà nước theo nguyên tắc “Không bó buộc tính tự chủ”, nhất là các cơ sở giáo dục tư thục và bảo đảm phù hợp, không lãng phí nguồn lực của xã hội.

Các cơ sở tư thục có vốn nước ngoài được tạo điều kiện thực hiện tự chủ, nhưng phải công khai, minh bạch về thông tin, thứ bậc đánh giá, kết quả kiểm định chất lượng của các tổ chức độc lập, có uy tín, tỷ lệ sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp… để cân nhắc và lựa chọn.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, đối với tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập cần phân định rõ điều kiện và mức độ tự chủ phù hợp.

Ví dụ, các cơ sở hoạt động bằng kinh phí ngân sách nhà nước với cơ sở ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động phải khác nhau về mức độ tự chủ bộ máy, nhân sự, tự chủ về chuyên môn, nhất là tự chủ về tuyển sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chỉ rõ, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định tại khoản 6 điều 4 và điều 32 là trọng tâm then chốt của việc sửa đổi Luật lần này. Bước tiến lớn trong nhận thức về tự chủ đại học được thể hiện trong dự án luật chính là việc nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của nhà trường, thể hiện quan điểm, vai trò của hội đồng trường như một thiết chế nhằm đổi mới quản trị nhà trường.

Tuy nhiên, cách thể hiện như trong khoản 6 điều 4 và điều 32 dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm, khái niệm tự chủ, điều kiện tự chủ, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình. Thực tế cho thấy, tự chủ nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo.

Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học là một quá trình trong đó năng lực giải trình của cơ sở giáo dục phải gắn với những điều kiện cụ thể và chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học đảm bảo các điều kiện nhất định thì mới được trao quyền tự chủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ cơ chế tự chủ đại học bao gồm tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự, nội dung, yêu cầu và phương thức giải trình…

Nhấn mạnh việc tự chủ đại học là trọng tâm then chốt, cần được giải quyết triệt để ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung vấn đề tự chủ học thuật bên cạnh đẩy mạnh tự chủ nhân sự, tài chính.

Theo đại biểu, giáo dục đại học là lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò, từ đó tạo ra tri thức mới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội.

Tự chủ học thuật là chìa khoá của thành công, là bí quyết phát triển giáo dục của các nước tiên tiến, vì thế cần có sự quan tâm hơn nữa.

Quy hoạch mạng lưới các trường đại học

Bên cạnh đổi mới phân tầng giáo dục đại học, quyền của Hội đồng trường đại học... một số đại biểu cho rằng cần quy hoạch mạng lưới các trường đại học sao cho tiết kiệm, hiệu quả, để các trường phát huy cao nhất lợi thế so sánh, tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường trong một khu vực hoặc trùng nhiều ngành nghề đào tạo, dư thừa nguồn lực, gây lãng phí cho xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) lưu ý, trong luật cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để trường thành lập mới tại một địa phương, một vùng địa lý cụ thể.

Trước khi Chính phủ xem xét quyết định thành lập trường mới cần xem xét kỹ lưỡng điều kiện địa lý, tính đặc thù, sự khác biệt ngành nghề đào tạo, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nguồn lực, để bảo đảm trường mới thành lập phát triển tốt, không ảnh hưởng đến các trường đã có ở khu vực vốn đang thực hiện tốt việc đào tạo phục vụ xã hội về ngành nghề đó.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Điều 33 của dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về điều kiện mở ngành đào tạo mới.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để có quy định phù hợp, vì không phải ngành nào cũng giống ngành nào, nên cần xác định điều kiện riêng cho một số ngành nghề đặc biệt. Các ngành đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao phải quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành như đủ nhân lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm học tập, nghiên cứu...

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) thống nhất quy định trao quyền tự chủ cho trường trong mở ngành đào tạo cũng như xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, số lượng, đặc biệt là cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội theo cơ chế thị trường, cần vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thông tin định hướng và điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh, mở mã ngành khi có nguy cơ cung vượt cầu trong thời gian tới…

Trong khi đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, việc mở ngành đào tạo phải phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, tránh lạm dụng mở ngành nhưng cũng không được gây khó khăn cho các trường có nhu cầu, điều kiện khi mở mã ngành.

Tại phiên làm việc, các nội dung về quản lý nhà nước về giáo dục đại học, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học... cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục