Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn về quản lý đất đai sau cổ phần hóa

17:37' - 31/10/2018
BNEWS Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh vấn đề quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Các vấn đề về quản lý đất đai, định giá quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp quản lý hóa đơn tránh gây thất thu ngân sách… đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10.

Phương án sử dụng đất phải được phê duyệt trước khi cổ phần hóa

Đề cập đến việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho rằng, công tác này còn nhiều thiếu sót, tức là không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Việc này đã dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Mặt khác, những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của quá trình cổ phần hóa. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ. Theo đó, trước năm 2011, đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp. Từ năm 2013, tiền thuê đất đã được điều chỉnh lại sát với giá thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không thực hiện việc thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Theo đó, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm cổ phần hóa.

Sau cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Trường hợp chuyển đổi mục đích phải được thực hiện thu hồi để đấu giá theo quy định.

Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.

Đối với ý kiến đại biểu nêu về vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất có ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp hay không, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Trong Nghị định 126 đã quy định, các địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa có sử dụng đất phải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Vì thế, cơ bản không có vướng mắc. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên còn gây ra những khó khăn. Do đó cần phải có sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Hà Thị Lan phát biểu chất vấn. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) chất vấn về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính đưa ra giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế gây thất thu ngân sách.

Qua thanh tra, Bộ đã phát hiện tình trạng không những không xuất hóa đơn mà còn có cá nhân lập doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn, rút tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ buôn bán hóa đơn.

Về thể chế, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định 109/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá phí, lệ phí và hóa đơn… Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử...

Về giải pháp khắc phục tình trạng mua bán không xuất hóa đơn, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ quan cần thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, tập trung sửa đổi Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về việc mua hàng hóa, dịch vụ phải được cung cấp hóa đơn, chứng từ.

Thực tế nền kinh tế Việt Nam vẫn sử dụng quá nhiều tiền mặt. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục