Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến về nợ đọng thuế, Luật Chứng khoán

19:32' - 22/10/2019
BNEWS Sáng 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN  

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng.

Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8/2019 giảm xuống ở mức 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỉ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế.

Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Theo đó, về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Chiều 22/10, các đại điểu thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về tờ trình của Chính phủ về Đề án và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Mục đích của việc xây dựng Đề án là phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết, trọng tâm là giải quyết một số khó khăn, bức xúc của người dân; điều chỉnh, tích hợp chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Tại phiên họp tổ, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) ủng hộ đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc miền núi; đề nghị một số vấn đề về tổng mức đầu tư và chi phí liên quan đến quản lý. Về chi phí quản lý đề án, đại biểu cho rằng, đầu tư cho vùng kém phát triển nên ưu tiên cho các nguồn đầu tư trực tiếp, không để chi phí quản lý quá cao sẽ khiến đồng bào dân tộc ít được hưởng lợi hơn.

Ngày mai, thứ tư, ngày 23/10/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục