Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo sự thống nhất của quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch quốc gia

13:04' - 25/10/2024
BNEWS Nhiều ý kiến đánh giá Quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

 
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Vi Đức Thọ (Sơn La) nhấn mạnh, việc ban hành Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Đáng chú ý, mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống Quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017. Khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định: quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đánh giá, Quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Do đó, các ý kiến thống nhất cho rằng, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho biết, về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, dự thảo Luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho ý kiến đối với Điều 36 của dự thảo về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Cơ bản thống nhất với quy định này, đại biểu Dương Khắc Mai nhận định, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch. Song quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… và không phải người dân nào cũng hiểu rõ, cũng như trình độ dân trí chưa có sự tương đồng, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế...

Do đó, để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh được hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.

Từ những bất cập quy hoạch trong thực tiễn hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, nội dung dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương; tạo cơ sở tháo gỡ khó khăn và góp phần giải quyết những tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bauxite hiện nay như dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã đề cập để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn được đồng bộ, thực sự tạo động lực phát triển.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan như: mối quan hệ giữa các quy hoạch; nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; thời hạn lập quy hoạch; quy hoạch phân khu đô thị; quy hoạch chung xã; thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định các trường hợp chuyển tiếp...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục